Nỗi lo từ nước Mỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa cái giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử, nước Mỹ còn "run rẩy" bởi nhiều nỗi lo khác như cuộc chiến nâng trần nợ công, mâu thuẫn với EU trong vấn đề Ukraine…

Những diễn biến này đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama và đe dọa sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ. 

Cuộc chiến trần nợ - đến hẹn lại lên

Bất chấp những cảnh báo được Nhà Trắng liên tiếp phát đi từ đầu năm, vấn đề nợ công của Mỹ một lần nữa lại được định đoạt trên bàn đàm phán và đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật. Trước thời điểm nợ công của Mỹ chạm mức trần 17.200 tỷ USD, đảng Dân chủ với đại diện là Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã cảnh báo, nếu Quốc hội không nhanh chóng hành động, đến ngày 27/2 tới, Washington sẽ mất khả năng vay mượn vì ngân khố chỉ còn 50 tỷ USD để duy trì hoạt động.

 
Đặc phái viên cao cấp của Mỹ tại châu Âu Victoria Nuland  trong buổi họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev hôm 7/2. 								Ảnh: AFP
Đặc phái viên cao cấp của Mỹ tại châu Âu Victoria Nuland trong buổi họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev hôm 7/2. Ảnh: AFP

Hiên chưa rõ cuộc chiến nâng trần nợ công của Mỹ sẽ kéo dài bao lâu nhưng có một thực tế mà nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới thực ra cũng là con nợ lớn nhất thế giới và tình trạng mâu thuẫn quyền lực trong nội bộ có thể đẩy quốc gia này mất khả năng chi trả. Nếu trong ba tuần tới, hai đảng trong Quốc hội không đi đến được quyết định nâng trần nợ công, những biện pháp kỹ thuật để duy trì hoạt động các cơ quan công quyền của Bộ Tài chính Mỹ cũng không thể cứu cho nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, ngoài việc phải đóng cửa chính phủ, thị trường toàn cầu sẽ rơi vào hỗn loạn do tầm ảnh hưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới là quá lớn. 

Thế khó tại Ukraine

Nếu như cuộc chiến nợ công, tranh cãi liên quan đến đạo luật nông nghiệp vừa được Tổng thống Barack Obama ký ban hành hôm 7/2… là những vấn đề đối nội gây đau đầu thì trong lĩnh vực đối ngoại, Mỹ đang tự đẩy mình vào thế khó trong mối quan hệ truyền thống với Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn đã bị mất niềm tin vào đồng minh Mỹ sau khi bị nghe lén nhiều năm liền, hôm 8/2 thẳng thừng tuyên bố không thể chấp nhận thái độ thiếu tôn trọng EU của Đặc phái viên cao cấp của Mỹ tại châu Âu Victoria Nuland vì đã có những lời bình phẩm khiếm nhã về chính sách EU đối với Ukraine trong đoạn băng bị rò rỉ trên mạng. Mặc dù bà Nuland đã chuyển lời xin lỗi tới các quan chức EU nhưng việc đoạn băng ghi âm bị phát tán đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín phương Tây trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, làm rạn nứt thêm mối quan hệ giữa Mỹ và lực lượng đối lập Ukraine cũng như với EU. Đặc biệt, sau khi đoạn băng bị rò rỉ, Mỹ đang lâm vào thế khó khi "gián tiếp" muốn giải quyết khủng hoảng tại Ukraine thông qua EU. Và khi mâu thuẫn hai bên bị rạn nứt, việc cùng nhau thống nhất một chính sách để giải quyết tình hình Ukraine sẽ khó khăn hơn.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 10/2 bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của vị Tổng thống Pháp tới Mỹ kể từ năm 1996 tới nay. Theo kế hoạch, ông Hollande và ông Obama dự kiến sẽ trao đổi các vấn đề về cuộc chiến ở Syria, chương trình hạt nhân Iran, khủng hoảng ở Ukraine, và các vấn đề kinh tế nhằm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ làm dịu những căng thẳng giữa Mỹ và EU và thúc đẩy mối quan hệ vốn không ít sóng gió của Washington - Paris.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần