Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nới lỏng hay siết chặt?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến về Nghị định bãi bỏ Nghị định 104/2007/NĐ - CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, một số quy định tại Nghị định này như vốn tối thiếu của DN đòi nợ thuê là 2 tỷ đồng hay các quy định về chứng chỉ, năng lực của quản lý và lao động làm dịch vụ này có thể được bãi bỏ.
 Ảnh minh họa
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thời gian qua chủ yếu phức tạp về an ninh trật tự, nên cần “quản” chặt những yếu tố này thay vì đòi hỏi cần vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng. Do đó, theo Bộ Tài chính, thành lập DN đòi nợ thuê thậm chí có thể không cần vốn. Với các điều kiện chứng chỉ, năng lực người quản lý và người lao động làm dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính cho rằng, việc có hay không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của DN, không ảnh hưởng nhiều tới các DN khác và nền kinh tế, nên không cần thiết phải quy định... Và hầu hết bộ, ngành khi được Bộ Tài chính hỏi ý kiến cũng đồng tình với đề xuất này.
Lý lẽ của Bộ Tài chính là vậy, tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến đòi nợ thuê không chỉ dừng lại ở mức khủng bố tinh thần mà còn gây ra những méo mó, bất ổn xã hội, thậm chí chuyển qua hình thức đòi nợ kiểu giang hồ. Thậm chí, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy, nhiều DN, tổ chức kinh tế lớn như ngân hàng, các công ty tài chính… cũng thông qua các công ty đòi nợ thuê hoặc có các hình thức đòi nợ thuê khiến nhiều khách hàng khốn khổ. Đơn cử, hồi tháng 3/2017, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của một ngân hàng có tiếng cũng bị một khách hàng tại TP Hồ Chí Minh kiện vì cho nhân viên vào cắt khóa căn hộ và chiếm luôn căn nhà của họ để ở. Khi chủ nhà khởi kiện ngân hàng này ra tòa, tòa án ra quyết định cấm ngân hàng di chuyển đồ đạc và tài sản của khách nợ ra khỏi căn hộ, song ngân hàng này đã không chấp hành. Đây chỉ là một số trong rất nhiều các hệ lụy của việc đòi nợ không tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, nếu nới lỏng các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì hoạt động này sẽ ngày càng phức tạp. Khi rào cản để thành lập DN quá thấp, bất cứ ai, bất cứ người nào cũng có thể thành lập DN đòi nợ thì dịch vụ vốn nhạy cảm này sẽ không tránh khỏi sự bát nháo. Vì thế, thay vì nới lỏng, các điều kiện thành lập DN đòi nợ thuê cần được siết chặt. Vốn tối thiểu để thành lập DN thay vì 2 tỷ đồng có thể tăng lên cao hơn. Nếu DN không đủ tài sản mà đi đòi nợ những tài sản có giá trị lớn thì nguy cơ rủi ro lại càng lớn. Ngoài ra, việc yêu cầu các tiêu chuẩn, tiêu chí của người quản lý và lao động đòi nợ thuê cũng cần được rà soát và xem xét, để tránh tình trạng đòi nợ kiểu giang hồ và giữ gìn uy tín cho hoạt động này. Sau khi thành lập DN đòi nợ thuê, công tác giám sát của cơ quan quản lý cần phải chặt chẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng méo mó, phức tạp, gây nhiều hệ lụy xấu của dịch vụ đòi nợ thuê.