Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi niềm của bóng hồng trên những chuyến tàu tốc hành Bắc Nam

Thái Sơn - Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lắc lư theo những chuyến tàu ra Bắc vào Nam, nghề tiếp viên đường sắt đã trở thành nghiệp quấn lấy chị em phụ nữ. Họ phải hy sinh tình cảm, công việc gia đình để làm hài lòng hành khách trong suốt cuộc hành trình. Ngày này qua tháng khác, họ vẫn cần cù, bền bỉ như bánh tàu lăn miệt mài vào Nam ra Bắc.

 Hướng dẫn cặn kẽ khi hành khách lên tàu.
Những vất vả của nghề tiếp viên đường sắt
“Mẹ đâu rồi ba? con buồn quá vì Tết nào mẹ cũng vắng nhà!”… đó là câu hỏi thơ ngây của những đứa trẻ, con nữ tiếp viên đường sắt. Qua lời tâm sự của họ đã khiến chúng tôi chạnh lòng.

“Suốt quãng thời gian 20 năm công tác, em được đón giao thừa cùng chồng con được 2 lần. Nhưng thời gian đón Tết cũng nhanh chóng qua mau, vì sáng mồng 1 lại lên đường công tác”, một thoáng trầm tư trong lời chia sẻ của chị Đào Thu Hiền – Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam (thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam).

Chị Hiền chia sẻ thêm, do đặc thù công việc nên vào những dịp cao điểm như ngày Tết, những người như chị không có thời gian bên gia đình. Về nhà chỉ kịp thay bộ đồ, gặp chồng con một chút lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình mới.

Chị Nguyễn Thị Duyên (quê Nam Định) làm công việc tiếp viên đường sắt được 12 năm cho biết: “Em có 2 cháu nhỏ, 2 vợ chồng đều làm cùng ngành nên những mùa cao điểm là phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc và cũng rất may mắn vì cả hai ông bà trước đây làm cùng ngành nên hiểu và thông cảm cho vợ chồng em”.

Theo chuyến tàu trong dịp Tết, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được phần nào công việc của tiếp viên đường sắt. So với nam giới, một người phụ nữ làm công việc này không hề đơn giản chút nào. Nhiều tiếp viên nữ trẻ chưa lập gia đình hay nói đùa: “Làm nghề này bọn em nhiều người ế chồng dài”. Nhưng đằng sau đó là nét đượm buồn và niềm khao khát được có 1 tổ ấm hạnh phúc sau những ngày dài lắc lư, mệt nhọc trên những chuyến tàu.

“Bạn trai em đang làm đầu bếp cho một nhà hàng ở Sài Gòn, em có giao ước là phải yêu em, yêu nghề của em, và đến khi nào quen với thời gian công việc của em thì mới cưới nhau”, tiếp viên Bùi Thị Thu chia sẻ và cho biết thêm, làm nghề “làm dâu trăm họ”, không phải hành khách nào cũng hiểu nỗi vất vả của tiếp viên phục vụ trên các đoàn tàu. Nhiều hành khách đi tàu rất thiếu ý thức, sinh hoạt xả rác bừa bãi dù đã có bảng chỉ dẫn nơi bỏ rác. Được hướng dẫn và nhắc nhở nhiều hành khách lại sửng cồ, cãi vã. Lúc đó các nữ tiếp viên phải nhã nhặn giải thích.
 Những bóng hồng của ngành đường sắt
Thu nhập còn thấp so với đặc thù công việc

Công việc là thế, nhưng thu nhập của ngành đường sắt nói chung và đoàn tiếp viên nói riêng khá thấp. Thu nhập hiện tại chủ yếu là lương khoán. Ngày thường, mỗi chuyến Bắc - Nam kéo dài trong 3 ngày, thu nhập trên 1 triệu đồng/chuyển. Nếu hai vợ chồng cùng ngành thì thu nhập hàng tháng chỉ đủ tiền thuê nhà và phải vun vén thêm mới có thể lo được cuộc sống gia đình.

Được biết, theo quy định những ngày Tết, từ ngày 10 âm lịch tháng 12 đến ngày 20 tháng 1, cơ quan không giải quyết bất kể trường hợp nào được nghỉ, trừ ốm đau.

Bà Phan Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban nữ công Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam bộc bạch: “Chúng tôi hiểu rõ nỗi cực nhọc của các chị em trong đoàn. Hậu quả của bệnh nghề nghiệp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn gây ra những căn bệnh của phụ nữ. Công việc, thời gian, thu nhập cũng ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc gia đình.

Hiểu rõ vấn đề, ngoài lương thưởng lãnh đạo đơn vị còn chú trọng đến chế độ ăn uống, công tác phí, chi phí giữa ca, chế độ khen thưởng, đến cả những phần thưởng tâm lý nhằm động viên, khích lệ tinh thần chị em. Cạnh đó, để phục vụ công việc tốt hơn, đơn vị cũng chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ - công nhân viên, đặc biệt là các tiếp viên phục vụ trên tàu”.

Tiếng còi tàu cất lên, đoàn tàu kéo vào ga. Các chị em tiếp viên đường sắt vội vã chia tay để lên đường. Lại thêm những ngày xa nhà, vắng bóng người thân. Họ là cánh chim không mỏi trên đôi cánh thời gian. Bóng dáng mảnh mai, tần tảo và tận tụy của các chị ngày lại ngày đón đưa bao hành khách bình yên trên những chuyến tàu.