Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi niềm “kim gẫy” phía sau các tuyệt phẩm thêu

Chia sẻ Zalo

KTĐT -Chị Thủy nhớ lại lần thực hiện bức tranh “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.”

KTĐT -Chị Thủy nhớ lại lần thực hiện bức tranh “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.” Do những người thợ làm bức tranh gánh trên vai sứ mệnh cao cả là dâng lên Điện Kính Thiên ở Hà Nội trong nghi lễ “Hành hương về cội nguồn” để chào mừng Đại lễ nên ngoài tâm trạng hứng khởi còn là nỗi lo lắng, sự căng thẳng của các chị là làm thế nào để bức tranh hoàn thiện nhất.

Mỗi khi đứng trước một bức tranh thêu đẹp người ta thả hồn thưởng lãm và trầm trồ khen ngợi nhưng ít ai biết đến đằng sau những tác phẩm hoàn thiện đó còn có nỗi niềm của những “chiếc kim gẫy.”

“Đêm hội Kim Gẫy” do các nghệ nhân tranh thêu XQ tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5 đến 7/1, nhằm tôn vinh sự khéo léo của những người mẹ, người chị, người vợ qua những đường kim mũi chỉ. Kim gẫy là một biểu tượng cho những trắc trở, khó khăn trong con đường đưa sản phẩm thêu thành tác phẩm nghệ thuật. Mỗi nghệ nhân đều phải đi qua những phút “kim gẫy” của mình.

Tại lễ hội, các nghệ nhân đã chia sẻ với phóng viên Vietnam+ những tâm tư, tình cảm của họ khi thực hiện tác phẩm, ở đó có cả những nỗi buồn phải chứng kiến một cây kim gãy cũng như nỗi lo lắng thêu sao cho bức tranh thật hoàn mỹ...

Là một nghệ nhân trẻ nhưng đã có chín năm gắn bó với khung thêu, chị Nguyễn Thị Kim Thanh tâm sự rằng, từ nhỏ khi ngồi trên ghế nhà trường được học môn thủ công chị đã thích công việc thêu thùa. Tuy vậy, cho đến khi bước sang tuổi 20, chị mới chính thức bắt tay vào công việc này.

Khó khăn chung ban đầu của một người còn bỡ ngỡ bước vào nghề  phải học từ bài học đầu tiên như cách xâu kim, đâm xô… Giống như nhiều người khác, chị Thanh đã phải nếm trải nỗi buồn từ những thất bại đầu tiên như đường kim mũi chỉ không được thẳng… phải làm lại nhiều lần.

Thêu ba, bốn năm liền chị mới quen tay nhưng ngay cả khi đã quen tay thì việc thêu cũng không vì thế mà đơn giản bởi yêu cầu của mỗi tác phẩm phải có sự sáng tạo, mang tâm hồn, đạt giá trị nghệ thuật chứ không đơn giản là làm theo kiểu hàng thị trường với công thức có sẵn.

Chị Thanh cho biết, ở mỗi bức tranh các chị thực hiện, những chi tiết phối màu liên tục thay đổi để không trùng lặp nên làm nhiều thì cũng là làm cái mới thành thử có nhiều bức tranh phải thêu lại nhiều lần mới tìm được cách phối màu hợp lý.

Trong tiếng nhạc nhẹ nhàng của lễ hội, chị Thanh trầm tư kể lại lần chị cùng đồng nghiệp thêu bức “Đà Lạt vườn mơ.” Đó là bức tranh có đến tám người cùng làm trong suốt sáu tháng mới xong. Đến lúc thêu các chi tiết ở cái cổng, chị sửa đi sửa lại nhiều lần mà vẫn không tạo ra được cái cổng có chiều sâu và xa. Để rồi khi về nhà, người nghệ nhân “cõng” theo nỗi buồn và đau đáu trong lòng phải làm thế nào để phối màu thành công, đến nỗi ngay cả trong giấc ngủ chị vẫn mơ thấy bức tranh.

Với người nghệ nhân, ngay cả việc chiếc kim gẫy khi thêu cũng tạo cho họ nỗi thất vọng. Kim bị gẫy còn biểu tượng như một sự vụng về nên nó không chỉ đơn giản là dừng lại đường thêu để thay kim khác mà còn tạo cho người nghệ nhân cảm giác mất mát một cái gì đó thuộc về sự kiêu hãnh của người cầm kim.

“Nhiều khi đang thêu bị gẫy kim mình cảm thấy thất vọng và như bản thân đang mất mát một cái gì đó trong tâm hồn,” chị tâm sự.

Còn với chị Mai Thị Thủy, người đã gắn bó với nghề thêu 5 năm, mỗi lần bắt tay vào thực hiện một bức tranh mới là phải suy nghĩ rất nhiều xem làm sao để ra được bức tranh thật đẹp. Từ mũi kim đầu tiên đến mũi kim cuối cùng các chị đều phải cố gắng với tâm thức đó.

Chị Thủy nhớ lại lần thực hiện bức tranh “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.” Do những người thợ làm bức tranh gánh trên vai sứ mệnh cao cả là dâng lên Điện Kính Thiên ở Hà Nội trong nghi lễ “Hành hương về cội nguồn” để chào mừng Đại lễ nên ngoài tâm trạng hứng khởi còn là nỗi lo lắng, sự căng thẳng của các chị là làm thế nào để bức tranh hoàn thiện nhất.

Tuy nhiên, với người cầm kim, khi thêu càng vấp váp và căng thẳng thì đến lúc tác phẩm thành công niềm vui của họ càng được vỡ òa. Những lúc vỡ òa ấy, bao nhiêu mệt mỏi, buồn tủi đều tan biến hết, chỉ còn lại niềm kiêu hãnh và tình yêu nghề.

“Khi thêu xong, mình cảm thấy rất hạnh phúc vì không những mình đã hoàn thành được một tác phẩm giá trị mà còn đã tiến thêm được một bước,” chị Thủy tâm sự.

Theo ông Võ Văn Quân, Giám đốc Công ty tranh thêu XQ, nghề thêu là sự sáng tạo liên tục, diễn đạt liên tục để tìm kiếm liên tục những giá trị làm nên cuộc sống. Điều lớn nhất nghề thêu phải học được đó là sự khiêm nhường trước các tri thức. Người làm nghề kiên nhẫn, khiêm nhường và không ngừng học hỏi để nâng cao sự nhạy cảm tiến gần đến tâm hồn nghệ sỹ sẽ giúp họ thành công và trụ được với nghề./.