Nhiều ngân hàng đề xuất nới “room”
Ngay từ cuối năm 2015, thị trường đã rộ lên thông tin một số NH kiến nghị xin được nâng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Tháng 10/2015, VPBank đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chào bán cho NĐTNN, tương đương 20% vốn sau phát hành, thực hiện vào quý IV/2015 và năm 2016. Sau khi chia tay với đối tác chiến lược ngoại là Tập đoàn OCBC (Singapore) cuối năm 2013 đến nay, VPBank vẫn chưa tìm được đối tác ngoại phù hợp và đang trong quá trình đàm phán.
Sau khi bán hơn 15% vốn cho NĐTNN trong đợt tăng vốn lên hơn 14.294 tỷ đồng trong năm 2015, đại diện SCB cho biết, NH đang tiếp tục kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại trong các đợt tăng vốn sắp tới, tăng khả năng nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai, khi được Chính phủ và NHNN cho phép. Kế hoạch bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài cũng được BIDV đưa ra ngay từ năm 2015, với dự kiến bán 25% vốn cổ phần cho 2 NĐTNN. Trong đó, BIDV sẽ dành 15% vốn cổ phần cho NĐT chiến lược và 10% vốn cổ phần cho NĐT tài chính, nhằm đa dạng hóa cấu trúc sở hữu, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống 65%...
Mới đây, ngày 5/2/2016, MB nhận được văn bản số 653/UBCK-PTTT ngày 3/2 về việc mở “room” NĐTNN. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cho MB điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sở Giao dịch TP Hồ Chí Minh từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB.
Giải pháp đi tắt
Hiện nay, một NĐTNN không được phép sở hữu trên 20% vốn điều lệ của NH trong nước và tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại NH nội không được quá 30%. Các ngân hàng cho rằng, quy định này chưa hấp dẫn được NĐT. Như trường hợp của ABBank dù đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài lên mức tối đa 30%, trong đó, MayBank nắm giữ 20%, IFC nắm giữ 10% nhưng hiện tại, NH này đang muốn đề nghị Chính phủ được nới “room” đến 49% cho NĐTNN. Tại hội thảo cuối năm 2015, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế đang tác động mạnh đến lĩnh vực NH. Dù lộ trình tự do hóa lĩnh vực này của Việt Nam chậm hơn các nước ASEAN - 5 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, song áp lực hội nhập của các NH Việt Nam vẫn rất lớn, năng lực quản trị và năng lực tài chính còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi…Trước áp lực này, đại diện Vietcombank đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc tính đến lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các NH từ 30 - 35%. Ngoài ra, cần xác định lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các NH TMCP Nhà nước, vì hiện nay ngân sách không có, nếu không giảm tỷ lệ này sẽ rất khó tăng vốn.
“Áp lực tăng vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, nâng cao tỷ lệ an toàn, xử lý nợ xấu… của các NH rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước lại hạn chế. Hơn nữa, “room” sở hữu phải 35% trở lên thì NĐT ngoại mới mặn mà, vì họ mới có quyền phủ quyết”, lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ. Về phía các NĐTNN, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành NH đang được giới đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là vào giai giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc. Theo ông Andy Ho, NH vẫn là lĩnh vực hấp dẫn và đây là cơ hội tốt để quỹ đầu tư nước ngoài xem xét bỏ vốn nhiều hơn vào NH.
Trước những luồng thông tin trên, đại diện NHNN cho hay, quan điểm của Chính phủ về nới “room” vẫn rất thận trọng do sức khỏe của hệ thống NH trong nước còn yếu. Cho tới khi các NH được NHNN mua với giá 0 đồng tái cấu trúc xong, “sạch sẽ” và “tươi tắn” trở lại để có thể được hợp nhất vào các NH khác hoặc được Nhà nước mang ra “bán” đấu giá công khai trên thị trường, mọi biến động về “room” NH đều cần cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng từ nhiều phía, nhiều góc độ. Tuy nhiên, với việc tái cơ cấu hệ thống NH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình hội nhập đã diễn ra sâu rộng, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, nới “room” cho vốn ngoại là giải pháp “đi tắt” nhanh nhất để các NH trong nước trưởng thành nhanh chóng, sẵn sàng chuẩn bị cho hội nhập.
Giao dịch tại Chi nhánh BIDV Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
|
Hiện trên thị trường Việt Nam đã có 7 NH 100% vốn nước ngoài đang hoạt động và từng bước mang lại nhiều dịch vụ tốt cho khách hàng. Trong khi trình độ số hóa của các NH Việt Nam vẫn ở mức sơ khai. Vì vậy, với một tỷ lệ cao hơn “room” cho phép hiện nay sẽ giúp các NH nội có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Một tỷ lệ như thế nào là phù hợp cần được phân tích và cân nhắc, trong đó đặc biệt là định hướng của Chính phủ trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thùy Dương
Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tài chính Ngân hàng Ernst & Young Việt Nam
|