KTĐT - Lọt thỏm giữa vùng đất heo hút cạnh triền đê quanh con sông nhỏ của xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh - Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội nằm ẩn mình sau lớp cửa sắt nặng nề. Ít ai biết rằng, đằng sau cánh cửa đó có hàng trăm thanh niên đang nỗ lực học nghề với niềm tin sẽ trở thành người có ích sau khi từ bỏ khói thuốc ma túy.
Học viên tập văn nghệ chuẩn bị cho buổi giao lưu |
Cần lắm những bàn tay
Nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện, xét cho cùng vẫn là lỗi của người nghiện đã không tự giải thoát trước sức cám dỗ của ma túy. Ngoài ra là những lý do khác như: mặc cảm, kỳ thị của những người xung quanh; thái độ thờ ơ, lãnh đạm của chính người thân và nguy hiểm nhất là sự kết nối của bạn nghiện đã khiến những người đi cai nghiện về nhanh chóng trở lại con đường cũ. Và điều nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối phó, đó là số đối tượng phạm tội do nghiện ma túy đang ngày càng gia tăng, nhất là những tội phạm nguy hiểm. Đối với những đối tượng tái nghiện thì mức độ phạm tội càng quyết liệt và khó lường hơn.
Để cải thiện vấn đề này, việc hướng nghiệp dạy nghề cho những người sau cai có một công việc ổn định, giúp họ có thêm sức mạnh cự tuyệt với “hiểm họa trắng” cần được xã hội quan tâm hơn nữa. Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp sau cai do Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô đã được ra đời dựa trên ý tưởng đó…
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của một cán bộ trẻ của Huyện đoàn Đông Anh, sau gần 1 giờ đồng hồ đi qua những cánh đồng heo hút, chúng tôi đến được Trung tâm “sau cai” - cái tên mà người dân nơi đây quen gọi đối với Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp sau cai Hà Nội (TTGDLĐHN). Để vào được trung tâm, không kể cán bộ công nhân viên hay học viên, thậm chí là… cả chúng tôi - những phóng viên đều phải qua một quy trình kiểm tra chặt chẽ. Qua được “trạm kiểm soát”, từ đằng xa, anh Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm cho biết nói: “Đó là quy tắc bất di bất dịch của trung tâm. Mong phóng viên thông cảm…”.
Dẫn chúng tôi qua những dãy nhà xưởng khang trang trên diện tích 5ha của trung tâm, anh Tuấn cho hay: Trung tâm này là 1 trong 2 đơn vị của Thủ đô thực hiện thí điểm đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy”, những cán bộ năng động, nhiệt tình nhất của Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô đã được “khoanh vùng”, chọn lựa làm cán bộ của trung tâm. Đi vào hoạt động từ tháng 1-2007, tính đến hết 12-2008, trung tâm đã tổ chức quản lý, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm và tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 536 học viên. Từ cuối năm 2008 đến nay, trung tâm đã tổ chức tiếp nhận quản lý giáo dục 800 học viên cai nghiện ma túy từ các trung tâm giáo dục lao động khác theo quyết định xử lý hành chính. Theo công tác quản lý những học viên của trung tâm sau khi tái hòa nhập cộng đồng chưa phát hiện trường hợp nào tái nghiện.
Để sống được phải quyết bỏ ma túy
Giới thiệu về những nghề mà học viên tại đây được đào tạo, anh Tuấn đưa chúng tôi đi “thực tế” quanh trung tâm. Vừa bước vào xưởng học nghề làm pa nô, áp phích, biển hiệu, nhiều học viên đang cặm cụi chuẩn bị cho buổi biểu diễn giao lưu văn nghệ với cán bộ và những học viên thuộc Trung tâm Giáo dục lao động số 2 Hà Nội vào tối hôm đó. Với những động tác nhanh nhẹn và dứt khoát, học viên Nguyễn Thanh P. (SN 1976, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) hồ hởi: “Anh em chúng tôi không tham gia hát nên chỉ biết gắng hết sức trang trí cho sân khấu của trung tâm thật đẹp, phục vụ “đêm nhạc” đặc biệt này. Đây cũng là dịp mà chúng tôi được thể hiện nghề mình đã học”. Được hỏi về tương lai sau khi được trở về nhà, P. cười: “Hy vọng, sau khi trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng, chúng tôi sẽ có một việc làm ổn định, kiếm công việc phù hợp với nghề đã học ở trung tâm”.
Lần theo hồ sơ quản lý, chúng tôi được biết, trước kia, P. làm nghề lái xe taxi, hay giao du với những bạn bè xấu, được gia đình nuông chiều nên mặc dù đã có vợ nhưng không cuộc chơi nào P. vắng mặt. Chỉ đến khi phát hiện có phản ứng dương tính với ma túy, P. buộc phải đưa vào trung tâm cai nghiện. P. trầm ngâm nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên em dính vào ma túy, hồi mới vào trung tâm cai nghiện, nhiều lúc thèm “cơm trắng” đến vã mồ hôi. Rồi thêm chuyện nhớ nhà, nhớ những bữa ăn đầy ắp món ngon, nhớ những bữa nhậu, những ngày rong chơi theo bạn bè tưởng chừng khó cai được nó. Nhưng cũng chính vì thế, em luôn dặn mình đoạn tuyệt với ma túy để sớm trở thành người có ích cho xã hội”.
Vừa dứt câu chuyện với P. bất chợt, tiếng loa giữa sân vang lên giọng đọc thông báo khá ấm áp và lưu loát như một phát thanh viên chuyên nghiệp: “…Anh em học viên tối nay lên hội trường của trung tâm để tham dự đêm giao lưu văn nghệ với những cán bộ, học viên của Trung tâm số 2. Đề nghị các anh em ăn mặc chỉnh tề...”. Được anh Tuấn dẫn xuống phòng thông tin giới thiệu “phát thanh viên” này, chúng tôi mới biết đó chính là Hồ An L. (SN 1974, trú tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).
Cũng giống bao học viên cai nghiện khác, sau khi cắt cơn thành công, L. được chuyển vào đây để học nghề trước khi về với gia đình. Ngay từ khi về trung tâm, L. được các cán bộ phát hiện có tài diễn thuyết trước đám đông nên bố trí L. làm “thông tin viên” cho trung tâm. Tất cả các tin tức, sự kiện văn hoá, chính trị… mà các báo đăng tải trong ngày đều được L. biên tập rồi đưa lên Ban Giám đốc Trung tâm kiểm duyệt, sau đó phát tin trên loa 2 lần trong ngày cho các học viên nắm bắt. Thấy chúng tôi L. vui vẻ nói: “Đầu tiên em cũng run run, nhưng về sau lại thích anh ạ…”. Xoay chén nước trên tay, L. nghĩ về tương lai bằng giọng tự tin: “Khi trở về, em sẽ xin vào phường làm tuyên truyền viên. Em mong rằng, không chỉ riêng em mà bất cứ người nào đã từng dính vào ma túy cần phải có nghị lực để từ bỏ nó!”.