Thay đổi cách làm
Nằm bên Quốc lộ 21B, làng Bặt cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20km. Chẳng biết nghề làm bún ở làng Bặt có từ bao giờ, người làm nghề nơi đây chỉ biết rằng từ khi sinh ra thì nghề này đã có và cứ thế nối tiếp nhau truyền từ đời này qua đời khác phát triển tới ngày nay.
Ông Nguyễn Vương Quyền - trưởng thôn Bặt Ngõ cho biết, trước đây, cả làng nhà nào cũng làm bún, cứ tầm 2 giờ sáng là không khí làm việc đã rộn ràng khắp cả làng. Khi trời vừa rạng cũng là lúc những mẻ bún trắng phau, thơm ngon ra lò và kịp xuất đi các chợ trong vùng. Bún là món ăn dân dã không xa lạ với mỗi người Việt Nam. Nhưng ít ai biết được rằng, để làm ra những sợi bún Bặt ngon nổi danh khắp vùng thì không đơn giản. Ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu đã rất khắt khe, phải lựa thứ gạo tẻ không quá dẻo, gạo được vo, đãi sạch rồi mới ngâm nước. Với cách làm truyền thống trước kia, người thợ phải ngâm gạo 5 ngày, nhưng công nghệ hiện đại ngày nay thì chỉ cần một ngày là gạo có thể đem vào xay thành bột. Bột được vào khuôn vắt thành sợi và đưa vào nồi luộc vài ba phút thì vớt bún ra. Bún thành phẩm được đặt trên các thúng tre có lót sẵn lá chuối, hong khô và ủ trước khi đem ra chợ bán. Người thợ bún Bặt rất thạo trong việc đánh giá độ chín của bột bún, đây là khâu quan trọng nhất, bởi nếu thời gian luộc bột chỉ chênh nhau một chút cũng sẽ ảnh hưởng tới độ săn chắc, chất lượng của sợi. Chả thế mà bún Bặt từ lâu đã có tiếng là sợi tròn, trắng trong, dẻo dai. Trước kia, công việc làm bún thủ công rất vất vả. Người làm bún phải thức khuya, dậy sớm cả gia đình làm từ nửa đêm đến sáng mới được khoảng 50kg bún. Ngày nay nhờ đưa máy móc vào sản xuất người thợ làm bún đã bớt nhọc nhằn, mà hiệu quả công việc lại cao hơn.
Coi trọng an toàn thực phẩm
Từ khi đưa máy móc vào sản xuất, người làm bún Bặt không đơn thuần là nghề để kiếm kế sinh nhai, mà còn là cách làm giàu của nhiều hộ dân. Nhiều gia đình nhờ làm bún mà xây được nhà cao cửa rộng, nuôi con cái ăn học thành tài. Quả đúng như người xưa từng nói “người không phụ nghề thì nghề cũng chẳng phụ người” nỗi vất vả của người thợ đã được đền đáp xứng đáng. Ngày nay, về làng Bặt người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê nghèo năm nào. Đường làng, ngõ xóm khang trang, nhà cao tầng mọc lên san sát nhờ thu nhập từ làm nghề của các hộ mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Cả làng không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm, số gia đình đạt danh hiệu văn hóa hàng năm trên 90%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Liên Bạt tự hào cho biết, nếu như ô nhiễm môi trường là vấn nạn của nhiều làng nghề truyền thống, thì làng Bặt lại làm rất tốt việc này. Ngoài tận dụng một phần nước vo gạo để chăn nuôi, người dân còn xây hầm biogas để xử lý nước thải sản xuất, biến thành năng lượng phục vụ sinh hoạt. Hệ thống cống rãnh thoát nước trong thôn cũng được xây kiên cố, có nắp đậy, chính vì vậy môi trường làng nghề bún Bặt luôn được đảm bảo. Đặc biệt, người làm nghề làng Bặt luôn chú trọng và ý thức việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặt sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu. Theo đó, bún của làng Bặt làm ra không dùng thêm bất kỳ chất phụ gia nào khác.
Làng Bặt hôm nay đang thay đổi từng ngày nhờ nghề làm bún truyền thống. Hàng ngày trên các chuyến xe, những thúng bún nóng hổi hối hả rời làng quê đến mọi nơi trong TP, mang theo mong ước về cuộc sống no ấm của người dân làng Bặt. Để gìn giữ và phát triển một nghề của cha ông để lại, người dân nơi đây đang nỗ lực xây dựng và khẳng định thương hiệu riêng của mình, góp phần duy trì một món ăn truyền thống của người Việt.
Một hộ dân làm bún làng Bặt chuẩn bị đưa hàng đi bán.
|