Thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận
Đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận thấp hơn năm 2012 là chuyện không hiếm ở mùa đại hội của các DN năm nay. Đơn cử như Công ty Vinaconex 2, năm 2012 đạt lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng, song năm 2013 chỉ đặt kế hoạch 16 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Công ty này, đặt kế hoạch thận trọng như vậy để nếu thị trường có biến động DN sẽ không phải lấy ý kiến cổ đông xin điều chỉnh kế hoạch khi mà thị trường xây dựng, BĐS vẫn còn nhiều khó khăn chưa lường được.
Tương tự, Vinaconex 7 năm 2012 đạt lợi nhuận trước thuế 11,66 tỷ đồng, năm 2013 chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10,32 tỷ đồng. Kế hoạch trên thậm chí còn được đánh giá là lạc quan vì dựa trên cơ sở trong năm Công ty tiếp tục triển khai 2 dự án đầu tư nhà chung cư với giá trị đầu tư 132,4 tỷ đồng tại huyện Từ Liêm và sẽ bán hàng ra trong năm.
Ngay cả những ngành dịch vụ, vốn được đánh giá ít khi khó khăn vì "nước lên, thuyền lên" cũng kêu khó nhiều bề. Năm 2012, Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn (Savico) chỉ đạt 61,4 tỷ đồng lãi trước thuế, bằng một nửa so với năm 2011. Dù bỏ trứng nhiều giỏ như buôn bán, sửa chữa ô tô, kinh doanh phụ tùng - phụ kiện, phân phối sản phẩm bảo hiểm, BĐS… nhưng tại ĐHCĐ, khi nhiều cổ đông chê Ban điều hành kém để lợi nhuận thấp, lãnh đạo DN đã kể ra một loạt khó khăn. Trên cơ sở hoạt động năm 2012, năm 2013, Savico đặt kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ một số DN thuộc các ngành có lợi thế như hàng tiêu dùng thực phẩm, dược là có kế hoạch lợi nhuận cao hơn năm 2012.
Những doanh nghiệp có cổ phiếu tăng điểm trong những ngày gần đây, khiến cổ đông tin tưởng hơn vào một năm làm ăn hiệu quả. Ảnh: Phạm Yên
Tâm điểm M&A
Tại ĐHCĐ của một số ngân hàng và DN, vấn đề M&A và tái cấu trúc hoạt động trở thành tâm điểm. Nóng nhất là vụ hợp nhất Công ty Tài chính CP Dầu khí (PVFC) và WesternBank. ĐHCĐ của WesternBank đã thông qua đề án này. Hiện đề án đang được chỉnh sửa theo yêu cầu của NHNN, nếu được chấp thuận, vấn đề hợp nhất để trở thành ngân hàng thương mại sẽ là chủ đề chính tại ĐHCĐ của PVFC dự kiến tổ chức trong tháng 5 tới. Cho đến thời điểm này, thông tin chưa được người trong cuộc công bố nhưng theo một số nguồn tin, PVFC đã khảo sát và cử người sang nắm toàn bộ tình hình hoạt động của WesternBank.
ĐHCĐ bất thường của TrustBank mới đây đã thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó cổ đông mới mua lại 84% cổ phần của ngân hàng này. Thuộc diện ngân hàng nhỏ phải tái cơ cấu, song ngân hàng này chọn cách là phải tự làm mới mình thay vì kết hợp với một tổ chức tài chính khác.
Không chỉ các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém mới tính chuyện M&A, cổ đông của nhiều ngân hàng quy mô lớn, câu hỏi lãnh đạo ngân hàng có tính đến phương án M&A liên tục được nhiều cổ đông đưa ra. Câu trả lời họ nhận được thường là "có thể ngân hàng sẽ xem xét".
Chuyện M&A không chỉ nóng trong giới ngân hàng mà còn là tâm điểm của khối DN khác khi nhu cầu mua bán dự án, tìm đối tác nhằm tái cơ cấu hoạt động đang trở lên cấp thiết. Tại ĐHCĐ của Công ty CP Thép Việt Ý (VIS), nhiều cổ đông đã lo ngại trước việc nhận sáp nhập Công ty CP Xây lắp và Đầu tư Sông Đà (SDS) khiến VIS phải gánh toàn bộ khoản thua lỗ của công ty này. Song theo lãnh đạo VIS, việc đầu tư vào SDS không phải là mục tiêu trước mắt mà là bước đi dài hạn của Công ty. Sau gần một năm sáp nhập, hoạt động sản xuất thép và phôi được phối hợp nhịp nhàng hơn, nguồn phôi cung cấp cho sản xuất thép được chủ động hơn nên quá trình sản xuất thép khá ổn định, năng suất cao hơn và giảm tiêu hao nguyên vật liệu. Dự kiến, quý I/2013, VIS đã có lãi.
Ngoài ra, chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty theo lộ trình sẽ được thực hiện quyết liệt trong năm 2013 - 2014, bởi vậy, mua bán DN và M&A sẽ là bài toán buộc phải thực hiện ở nhiều DN và phải được thống nhất tại kỳ ĐHCĐ năm nay.