Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Nóng" chuyện mua bán, sáp nhập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vốn huy động sụt giảm, lãi suất liên ngân hàng tăng cao…, trước thực tế đó, vấn đề thanh khoản ngân hàng lại được nói đến nhiều hơn.

Tuy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, đây chỉ là sự thiếu thanh khoản tạm thời của một vài ngân hàng song câu chuyện mua bán, sáp nhập lại "nóng" hơn bao giờ hết.

Căng thẳng vốn

Sự sụt giảm vốn huy động trên thị trường 1 (huy động từ dân cư) khiến lãi suất chào vay trên thị trường liên ngân hàng ở mức cao, từ 22 - 25%/ năm, thậm chí lên đến 40%. "Lý do của biến động này là bởi NHNN không cho huy động 14%/năm với không kỳ hạn, buộc các ngân hàng phải vay liên ngân hàng với lãi suất cao"- ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết.

Lãi suất về một mặt bằng, và như thường lệ các hình thức khuyến mãi, tiết kiệm dự thưởng lại được các ngân hàng tung ra. Chỉ đi trên phố Láng Hạ, đã thấy rất nhiều băng rôn khuyến mãi treo tưng bừng. Hiện, đa số các ngân hàng, từ lớn đến nhỏ đều áp dụng các chương trình ưu đãi với giá trị lên đến hàng tỉ đồng. Không chỉ nhận quà, khách hàng còn có cơ hội được nhận vàng, ô tô, xe máy, thậm chí cả căn hộ. Dù về hình thức, các chương trình này là để "tri ân" khách hàng nhưng có một thực tế không thể phủ nhận đó là cách để giải tỏa tình hình căng thẳng vốn tại các ngân hàng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Trước thực tế này, đại diện NHNN cho biết đang tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của từng tổ chức tín dụng, có biện pháp hỗ trợ thích hợp để không tổ chức tín dụng nào thiếu hụt thanh khoản, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Chính sách không cào bằng

Lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong thời gian qua, theo nhiều chuyên gia kinh tế là điều có thể dự báo được. Bởi vậy, việc hỗ trợ các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản tạm thời này của NHNN là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tài, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, điều hành tiền tệ phải thông và không theo kiểu cào bằng. "Nếu chỉ để ý đến những "cây cao" mà không để ý đến những "cây thấp" sẽ làm cho cả hệ thống phát triển thiên lệch. Những anh nhỏ mới chính là những anh tiềm ẩn nhiều vấn đề, nhiều nguy cơ"- ông Tài phân tích.

Từ câu chuyện thiếu thanh khoản tạm thời tại một vài ngân hàng, vấn đề mua bán sáp nhập ngân hàng lại trở thành đề tài "nóng" hơn bao bao giờ hết. NHNN cũng khẳng định, sáp nhập, hợp nhất là xu hướng tất yếu, khách quan để nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, vấn đề trước mắt hiện nay là lấy lại sự lành mạnh về tài chính, ngăn chặn tình trạng nợ xấu, sau đó mới tính đến chuyện mua bán hay sáp nhập. Chính vì thế, cần thiết phải có một cuộc "tổng kiểm tra sức khỏe" đánh giá độ yếu mạnh, xấu tốt của từng ngân hàng để có cách quản lý phù hợp trước khi thực hiện sáp nhập, mua bán. 

Hai yếu tố quan trọng nhất khi khách hàng "chọn mặt gửi tiền" là khả năng sinh lời và an toàn. Khi khả năng sinh lời là như nhau thì vấn đề an toàn sẽ được người dân "ưu tiên". Bởi vậy, sự di chuyển tiền tệ từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn là một tất yếu. Làm căng ở thị trường 1, dứt khoát nó sẽ bung ra ở thị trường 2. Đó là một thực tế không ngăn được.

Ông Nguyễn Trọng Tài

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng