Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng chuyện Vinashin

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù không có trong kế hoạch kiểm toán năm 2009 và 2010 nhưng những thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lại là vấn đề nóng trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sáng 29/7.

KTĐT - Dù không có trong kế hoạch kiểm toán năm 2009 và 2010 nhưng những thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lại là vấn đề nóng trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sáng 29/7. KTNN cũng cho biết, đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xử lý tài chính số tiền lên tới 14.768 tỷ đồng.

Vinashin không nằm trong kế hoạch kiểm toán 2010

Ông Đinh Trịnh Hải - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội thừa nhận, câu chuyện thua lỗ, nợ nần của Vinashin là vấn đề đang được cả dư luận xã hội quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, Tập đoàn này lại không có tên trong danh sách kiểm toán của KTNN năm 2009 cũng như 2010.

Giải thích vấn đề này, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, năm 2006, cơ quan này đã thực hiện kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2005 với Vinashin (lúc đó đang hoạt động với mô hình Tcty). Từ đó đến nay là 4 năm, trong khi thông thường 5 năm, KTNN mới có kế hoạch kiểm toán lại Tập đoàn, Tcty Nhà nước một lần. Theo ông Khái, thực tế còn rất nhiều cơ quan, đơn vị nữa cần được kiểm toán. Điều này cũng tránh sự "dẫm chân" lên một số ít đơn vị, giúp họ yên tâm làm ăn. Hơn nữa, hiện Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc thanh tra Vinashin. Để tránh chồng chéo, KTNN sẽ không đưa Tập đoàn này vào kế hoạch kiểm toán năm nay.

Về con số nợ lên đến 80.000 nghìn tỷ, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của Vinashin, ông Lê Minh Khái từ chối bình luận vì lý do KTNN chưa tiến hành kiểm toán Tập đoàn này.

Không có đơn vị nào cổ phần hóa

Báo cáo của KTNN cho biết, năm 2009, KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính (năm 2008) của 183/242 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 20 Tcty Nhà nước. Mặc dù chịu tác động của suy giảm kinh tế nhưng năm 2008, 88% (161/183) doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán vẫn có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 16.626 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 23,87%.

Đáng chú ý, năm 2008, tại 20 Tcty được kiểm toán, không có đơn vị nào cổ phần hóa, chủ yếu do tác động của suy thoái kinh tế. Việc sắp xếp, chuyển đổi hình thức của công ty mẹ hoặc khối văn phòng… sang công ty cổ phần hoặc công ty TNHH một thành viên chậm. Công tác quản lý tài chính của các Tcty cơ bản đã được tuân thủ theo quy định, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như tỷ lệ đối chiếu nợ nhiều DN vẫn thấp, các khoản phải thu khó đòi tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhiều khoản phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, tạm ứng không được quyết toán và khó có khả năng thu hồi. Đây thực chất là những khoản lỗ tiềm ẩn trong tương lai.

Báo cáo của KTNN cũng cho biết, nhiều TCty vẫn hoạt động chưa hiệu quả, không bảo toàn được vốn. Tcty Công trình giao thông 6 lỗ gần 68 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 149 tỷ đồng; Tcty Cà phê tuy báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế lên tới 525 tỷ đồng…

Qua kiểm toán với 20 Tcty Nhà nước này, KTNN đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách 548 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, thu ngân sách Nhà nước năm 2008 vượt 13,77% dự toán, hầu hết các khoản thu đều vượt, ngoại trừ thu phí xăng dầu chỉ đạt 90,7% dự toán. KTNN đã kiến nghị Chính phủ thực hiện tăng thu 4.536 tỷ đồng, trong đó, tăng thu ngân sách 3.351 tỷ đồng và giảm chi trên 3.404 tỷ đồng, trong đó giảm chi ngân sách Nhà nước trên 3.085 tỷ đồng chi sai chế độ.