Nông dân gặp khó trong tiêu thụ nông sản

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội để phòng chống dịch Covid-19. Việc thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, khiến lưu thông hàng hóa giữa TP với các địa phương khác gặp không ít khó khăn, kéo theo tiêu thụ nông sản của nông dân khó càng thêm khó. Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, người dân mong muốn TP có cơ chế đặc thù trong việc lưu thông các mặt hàng nông sản.

Nhiều mặt hàng ách tắc đầu ra
Tây Tựu là một trong những vựa hoa lớn của Hà Nội, với tổng diện tích trồng hoa khoảng 200ha. Hoa ở đây được trồng gối vụ quanh năm. Tuy nhiên trong năm, người dân thường tính toán các dịp lễ, tết lớn để xuống giống trồng các loại hoa phù hợp. Theo đó, trong kế hoạch sản xuất của người dân Tây Tựu, dịp này đang là thời điểm thu hoạch rộ của các loại hoa phục vụ cho ngày kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Tuy nhiên, do thực hiện lệnh giãn cách xã hội, hoa không phải mặt hàng thiết yếu nên nhiều mối buôn đặt hàng trước đó hủy bỏ đơn hàng, trong khi các chợ hoa tạm dừng hoạt động. Dẫn đến một lượng lớn hoa ở đây không bán được, hoặc bị ép giá.
Nhiều người trồng hoa ở Tây Tựu, Bắc Từ Liêm không bán được hàng
Anh Nguyễn Phan Thọ ở tổ dân phố Thượng 3, Tây Tựu cho biết: Để cung cấp hoa cho ngày 27/7, cách đây gần 3 tháng gia đình anh xuống giống 3 sào cúc vàng tương đương với 6 vạn hoa. Dự kiến gia đình sẽ thu khoảng 40 triệu đồng từ ruộng hoa này. Tuy nhiên, từ khi TP thực hiện lệnh giãn cách xã hội, thị trường hoa tươi gần như “đóng băng”. Giải quyết tình thế trước mắt, anh Thọ chọn giải pháp căng lưới che và phun thuốc nhằm kéo dài thời gian hoa trên ruộng. “Tôi coi như mất trắng vụ hoa này, bởi chưa biết tình hình dịch kéo dài tới bao giờ, trong khi thời tiết nắng nóng kèm mưa nên việc bảo quản hoa trên ruộng rất khó khăn” – anh Thọ chán nản nói.
Không chỉ người trồng hoa, thực hiện giãn cách xã hội cũng đang khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh bị động trong khâu tiêu thụ, mặc dù sản phẩm từ chăn nuôi được xếp vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Chia sẻ về những khó khăn thực tế người chăn nuôi đang phải đối diện, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) Hoàng Văn Sáng cho biết: Toàn hội có 50 thành viên đang nuôi 170.000 con vịt đẻ siêu trứng, sản lượng dao động khoảng 130.000 – 150.000 quả/ngày. Bình thường, các hộ sản xuất vẫn thường tự giao dịch trên thị trường rất thuận lợi vì nhiều gia đình có xe tải chuyên chở và ký hợp đồng với đối tác từ trước đó.
“Từ ngày TP thực hiện giãn cách xã hội, việc tiêu thụ trứng trong khu vực TP khá thuận lợi, nhưng tiêu thụ đi các địa phương khác như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai… lại đang bị tắc nghẽn bởi quá trình xe lưu thông bắt buộc phải qua chốt kiểm soát trên tuyến QL6 ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ)” - anh Sáng chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cũng đang “đứng ngồi không yên” vì hàng khó bán. Hộ anh Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) đang nuôi 20.000 con gà đồi thương phẩm và 10.000 con gà bố mẹ. Anh Hiển than thở, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến hàng trăm hộ chăn nuôi ở địa phương đã vất vả lại càng thêm lao đao.
Theo anh Hiển, mặt hàng gà giống không phải là hàng thiết yếu nên cả sản xuất và kinh doanh của gia đình sụt giảm trầm trọng. Một lượng gà giống lớn của trang trại không thể xuất bán đi các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trung bình cứ 4 ngày, trang trại cho ra lò 8.000 con gà giống, xuất bán với giá 17.000 -  18.000/con. Song, do tắc nghẽn lưu thông nên anh Hiển đành phải rao bán trong khu vực Hà Nội với giá 13.000 đồng/con, nhưng cũng bán rất chậm vì người chăn nuôi thời điểm này không mặn mà. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng với lo ngại đầu ra sản phẩm tắc nghẽn do dịch Covid-19 nên nhiều chủ trại đang duy trì sản xuất cầm chừng.
 Cơ sở sản xuất gà giống của anh Ngô Trọng Hiển ở Thụy An, Ba Vì gặp khó trong tiêu thụ. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021
Mong có cơ chế đặc thù
Để khắc phục phần nào khó khăn, anh Hiển quyết định dừng việc vận hành lò ấp trứng và chuyển sang bán trứng gà với giá 3.500 đồng/quả (bán buôn) để gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó. Song theo anh Hiển đây chỉ là giải pháp tình thế, vì con gà bố mẹ giống không thể so sánh với gà công nghiệp do quy trình chăn nuôi đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp hơn, thức ăn cũng phải tự phối trộn mà năng suất đẻ trứng chỉ đạt 25% nên thua lỗ là điều không tránh khỏi.
Đó là chưa kể 20.000 con gà thương phẩm của gia đình anh Hiển đến tuổi xuất chuồng đang đứng trước nguy cơ rớt giá. Nếu như tầm đầu tháng 7, giá gà lông xuất bán buôn ở mức 105.000 đồng/kg thì hiện tại đã tụt xuông mức 90.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi bắt đầu chu kỳ bị lỗ. Nếu tình trạng dịch bệnh vẫn tiếp diễn và kéo dài, anh Hiển dự tính năm nay anh thua lỗ tới cả tỷ đồng.
Hộ anh Hoàng Văn Sáng ở Liên Châu, Thanh Oai đang nuôi 4.000 con vịt với sản lượng trứng khoảng 3.500 quả/ngày. Để đảm bảo hợp đồng đã ký với đối tác, cùng với sản lượng trứng của gia đình, anh gom thêm trứng vịt và trứng gà của 1 số hộ chăn nuôi tại địa phương; đồng thời đầu tư 2 chiếc xe tải (1 xe trọng tải 2,5 tấn và 1 xe trọng tải 7 tạ) phục vụ việc giao trứng hàng ngày. Thường thì hằng ngày giao hàng tới Sơn La, Lào Cai 7.000-8.000 quả trứng/lần và cứ 2 ngày giao trứng tới Lạng Sơn 1 lần với 10.000 quả/lần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt và thực hiện Chỉ thị 17 của TP về giãn cách xã hội, tính từ hôm 24/7 đến nay, số trứng đang tồn trong kho chưa tiêu thụ được đã lên tới 6.000 quả.
Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu về lưu thông hàng hóa, lái xe phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính mới được qua chốt kiểm soát, kiểm dịch, song giấy chứng nhận xét nghiệm chỉ có giá trị trong 3 ngày. Giá trị sử dụng giấy xét nghiệm ngắn và chi phí mỗi lần xét nghiệm Covid-19 lên tới 700.000 đồng/lần đang là những khó khăn không nhỏ đối với người chăn nuôi, hợp tác xã nói chung.
Mong muốn của anh Sáng và những người chăn nuôi ở Liên Châu nói chung là các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ người chăn nuôi trong khâu tiêu thụ để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện hơn. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để người chăn nuôi vực dậy sản xuất.
Trong khi đó, người dân trồng hoa lại mong muốn TP có chế riêng, đặc thù cho mặt hàng hoa tươi. Cụ thể, người dân mong muốn TP tạo điều kiện cho những hộ trồng hoa được bán hàng vào những ngày lễ, ngày Rằm, mùng 1 trong thời gian giãn cách xã hội. Bởi mặt hàng này nếu để quá lứa thì phải bỏ đi, trong khi nhu cầu thị trường với sản phẩm vẫn có.