Thậm chí, có hộ dân phải ngậm ngùi nhổ bỏ những luống rau mà họ một nắng hai sương chăm bẵm vứt lên đầu ruộng, bởi bán không ai mua.
Ngậm ngùi vì rau
Chỉ còn hơn chục ngày nữa là Tết Nguyên đán, trên cánh đồng rau thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, nhiều nông dân vẫn cần mẫn làm việc bên những ruộng rau xà lách, rau cải ngọt, cải chíp, rau thơm... xanh mướt. Chỉ có điều gương mặt ai nấy đều buồn bã, đầy những âu lo. Nhổ hai luống rau cải cúc đã dài hơn 30cm, ôm từng bó vứt lên đầu ruộng, anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Phúc Lý ngậm ngùi chia sẻ: "Mấy ngày nay giá rau quá rẻ, không bán được nên rau dài quá lứa, giờ có mang lên chợ lại phải chở về nên đành nhổ vứt đi. Cứ đà này năm nay coi như mất Tết". Anh Dũng cho biết thêm, giá bán rau cải cúc chỉ khoảng 300 đồng/mớ. Tính ra, thu hoạch 4 luống rau vợ chồng anh chỉ bán được 200.000 đồng.
Vườn rau trồng trong nhà lưới của anh Kiều Duy Phương, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
|
Ảm đạm không kém là vùng rau Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Trong khu sản xuất rau an toàn với đầy đủ hệ thống nhà lưới, giếng khoan, nhiều luống rau tươi xanh mơn mởn, rất bắt mắt nhưng không khí sản xuất lại khá trầm lắng. Cặm cụi thu hoạch luống cải mơ cho kịp phiên chợ, anh Kiều Duy Phương cho biết, thông thường hàng năm, từ ngoài 20 tháng Chạp trở đi, khi lượng học sinh, sinh viên các trường nghỉ Tết thì giá rau mới rẻ, song năm nay rau rớt giá ngay từ đầu tháng Chạp. Hiện giá bán cải mơ loại ngắn cây, ngon chỉ đạt 4.000 đồng/kg, giảm 50% so với tháng trước; giá cải chíp, cải ngọt, cải cúc loại ngon cũng chỉ được 1.500 - 2.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg... "Mỗi chuyến đi chợ chở hàng tạ rau đi bán, trừ chi phí xăng xe, vé chợ cũng chỉ hòa vốn" - anh Phương thở dài.
Nhiều loại rau xanh khác cũng rớt giá mạnh. Trong đó, giá cải bắp là 1.000 - 2.000 đồng/cây, su hào 1.000 - 1.500 đồng/củ, củ cải trắng 500 đồng/kg, xà lách 5.000 đồng/kg... Theo tính toán của các hộ dân, với mức giá như hiện nay hầu như người dân không có lãi, vì mức đầu tư cho mỗi sào rau lên tới 1,3 - 1,4 triệu đồng, không kể công lao động. Nguyên nhân giá rau giảm là do thời tiết lạnh về ban đêm nhưng có nắng ấm về ban ngày nên cây rau phát triển rất mạnh, sản lượng dồi dào. Tình hình này cho thấy, nguồn cung rau xanh cho thị trường Tết tương đối ổn định nên người tiêu dùng Thủ đô không lo thiếu hàng, sốt giá.
Hy vọng gỡ gạc sau Tết
Mặc dù giá rau đang giảm mạnh, song các hộ nông dân đều hy vọng, theo đúng quy luật vào những ngày cận Tết, khoảng từ 27 - 28 tháng Chạp trở đi, rau xanh bắt đầu tăng giá, nhất là những mặt hàng củ quả như su hào, cà chua, khoai tây, cà rốt, hành... do nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đặc biệt, thời điểm ra Tết, khi hoạt động sản xuất, học tập trở lại bình thường, nhu cầu rau xanh sẽ tăng trong khi nhiều diện tích rau vụ đông đã thu hoạch xong để kịp cấy lúa xuân. Khi đó, giá rau sẽ nhích lên đáng kể. Bởi vậy, hiện nay các hộ trồng rau đang tích cực, gieo cấy lứa rau mới và chăm sóc rau non, hy vọng gỡ gạc lại vốn trong dịp đầu năm.
Có kinh nghiệm sản xuất rau lâu năm nên bà Đỗ Thị Hiểu, thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức đã bố trí một phần diện tích trồng su hào, cải bắp của gia đình thu hoạch vào sau Tết. Bà Hiểu chia sẻ, giá cây giống trong năm mua khá cao, đơn cử như cải bắp sakata có giá 1.300 đồng/cây, su hào 500 đồng/cây nên với giá bán thấp như hiện nay, người nông dân cầm chắc lỗ. Do đó, gia đình bà phải trồng thành từng lứa khác nhau để "lứa nọ bù lứa kia".
Ông Nguyễn Văn Hào - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên cho biết, trồng rau phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu từ nay đến Tết thời tiết rét thì giá rau có thể sẽ tăng lên, nhưng ngược lại có nắng, nồm thì lại càng rẻ. Hiện, toàn HTX Tiền Lệ còn 20ha rau đang thu hoạch và cho thu hoạch đúng vào dịp Tết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dân vẫn đang tiếp tục gieo trồng lứa rau mới để ra Tết thu hoạch, đảm bảo thu nhập cho gia đình.