Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân thời công nghệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi Bộ Bưu chính Viễn thông cũ, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chính sách phổ cập tin học, công nghệ về nông thôn, đời sống người dân bỗng chốc sôi động lên hẳn.

KTĐT - Kể từ khi Bộ Bưu chính Viễn thông cũ, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chính sách phổ cập tin học, công nghệ về nông thôn, đời sống người dân bỗng chốc sôi động lên hẳn.

Mùng 3 Tết, bà Bân ở Hải Hậu, Nam Định đã bấm máy di động nhoay nhoáy, nói oang oang: "Lụa à, nhà chị bắt đầu xuống đồng từ ngày Mùng 6 nhé. Lưu ý đấy, chị cần 2 công, 7h có mặt nhé".

Kết thúc cuộc gọi, bà Bân lại hý hoáy mở sổ gọi tới số máy khác. Lần này là anh Bản - thợ cày chuyên nghiệp, bà cũng hẹn 7h ngày Mùng 6 Tết có mặt để đảm nhận việc san phẳng ruộng để thợ cấy sẵn sàng ra đồng.

Bà Bân giải thích: "Mùng 6 ngày tốt, ra đồng để lấy may chứ chưa thể cấy hết cả thửa ruộng được. Nhà nông cũng kén ngày, chọn giờ, người ta kiêng xuống đồng vào ngày nghén nước".

Sắp xếp đâu vào đấy, bà Bân mới yên tâm vào nhà để làm cơm đãi khách. Bà cho biết, trước đây, khi muốn tìm thợ gặt, thợ cấy, bà phải đạp xe đi từng nhà từ tinh mơ mở mắt, thương lượng giá cả rồi tập hợp đủ người mới quyết định ngày xuống đồng. Nhưng nay, thời buổi di động về làng, nông dân cũng được thơm lây, thợ cấy, thợ gặt cũng sắm mỗi người một con dế. Có điện thoại, họ có thể gọi cho nhau bất cứ khi nào, nhắn tin, địa chỉ và thỏa thuận giá cả ngon lành. "Nói chung đâu cứ dân thành phố mới tiếp cận công nghệ, quê tôi giờ đây, nhiều gia đình người già, trẻ con giờ cũng sắm điện thoại di động", bà Bân cho biết.

Kể từ khi Bộ Bưu chính Viễn thông cũ, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chính sách phổ cập tin học, công nghệ về nông thôn, đời sống người dân bỗng chốc sôi động lên hẳn. Nhà nhà đua lắp điện thoại, hết cố định có dây lại chuyển sang cố định không dây, giờ lại bùng lên phong trào xài di động. Anh Quân - bí thư một xã ở Hải Hậu, Nam Định nói vui: "Phong trào dùng điện thoại di động giờ bùng phát đến mức chẳng khác gì dịch chơi hụi, chơi họ trước đây". Không chỉ dân buôn bán, người có nhu cầu liên lạc thường xuyên mà các bạn nam nữ thanh niên, học sinh mà cả những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn cũng thi nhau sắm "dế".
Chiếc điện thoại giúp bà con nông dân liên lạc với nhau, tìm thợ gặt, thợ cấy ngày mùa. Ảnh: VOV.

Chị Hà ở huyện Trực Ninh, Nam Định khoe: "Tiện lắm em ạ. Có khi một mình ngồi nhặt cỏ ở ngoài đê buồn buồn cũng bật điện thoại nghe nhạc. Cái chính là khi có việc gì cần, người nhà không phải đạp xe, hoặc chạy bộ cả vài km để gọi tôi về mà chỉ cần alo là xong". Ngay cả khi vào vụ chính, cấy hoặc cày, những lúc giải lao ngồi bên gốc cây đa, hoặc đầu bờ uống nước, cánh chị em lại tranh thủ giở điện thoại ra hướng dẫn cho nhau cách nhắn tin, lưu số điện thoại... Mọi người nói cười vui vẻ khiến không khí ở vùng quê rộn ràng hẳn lên"

Nhà chị Hà có 5 nhân khẩu, 2 vợ chồng và 3 đứa con. 2 cậu con trai học đại học ở xa, con út đang học trường cấp 2 tại làng. Cả 5 người nhà chị đều có di động, chủ yếu là để nghe. Tuy nhiên, cước di động giờ cũng rẻ, kèm theo có quá nhiều chương trình khuyến mãi nên "đôi khi "quá đà", chị cũng "buôn" bét nhè.

Chị Hà kể, hồi mới dùng điện thoại chẳng biết xem tin nhắn hay kiểm tra các cuộc gọi kiểu gì. Thế là có hôm tham việc cứ lúi húi làm ngoài đồng đến chiều muộn mới về, vừa ló mặt đã thấy anh Nhân - chồng chị mắng cho té tát vì cái tội không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Chị cứ thề sống thề chết là không thấy bất kể chuông hay tin nhắn báo cả. Khi anh Nhân mở máy ra, giải thích một hồi chị mới biết mình có 8 cuộc gọi lỡ, 4 tin nhắn được gọi từ số máy của ông xã. "Lúc bấy giờ mình cười như nắc nẻ, đúng là công nghệ, hiện đại thật, biết được cả tin nhắn và người gọi tới dù mình không nghe máy", chị Hà nhớ lại.

Anh Trần Lân một cán bộ ngành dầu khí kể quê ngoại anh ở một làng thuần nông nghèo ở miền Trung. Cách đây khoảng 5 năm, điện thoại cố định đã được coi là vật xa xỉ, chỉ gia đình khá giả mới có. Ấy vậy mà giờ đây, cùng với sự đổi mới dễ nhận thấy như đường làng đổ bê tông, nhà rạ thay bằng nhà ngói, mái bằng rồi xây 2 ba tầng... điện thoại cố định, di động và Internet cũng được phổ cập tới tận xã, thôn.

"Ngoại tôi năm nay 70 tuổi, ông cũng có trong điện thoại di động, ngoài chiếc điện thoại HomePhone để bàn hưởng ứng chương trình phổ cập điện thoại của Viettel", anh Lân nói. Bác họ, chú họ, rồi bà con lối xóm trong khu nhà ông ngoại anh Lân, mỗi người cũng sắm cho mình một chiếc điện thoại. "Khi tôi đến thăm nhà bác họ, tôi thấy ông nhấc máy gọi cho bác gái tôi và anh con trai cả đang làm ở ngoài đồng về tiếp khách. Tôi chỉ âm thầm quan sát và thấy rằng miền quê giờ đổi khác thực sự", anh Lân nhận xét.

Thị trường viễn thông đã bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất khi có sự hội tụ của cả 7 nhà khai thác di động gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline. Giá cước ngày một rẻ, cùng với các dịch vụ hấp dẫn khiến tốc độ phát triển thuê bao tăng theo cấp số nhân và đến giữa năm 2008 thị trường di động gần như bão hòa tại khu vực thành phố. Khi miếng bánh thị phần ngày một thu hẹp, việc đưa di động về khu vực nông thôn là vấn đề nóng của các nhà khai thác dịch vụ.

Giới chuyên gia nhìn nhận khi "miếng bánh" di động ở những thành phố đã cạn, kế hoạch tấn công vào những thị trường mới, đặc biệt là thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân nông thôn, những người có mức thu nhập thấp được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ viễn thông tiện ích có chất lượng. Và với tốc độ phát triển thuê bao như hiện nay thì chuyện trong tương lai người nông thôn sở hữu số lượng điện thoại nhiều hơn thành phố cũng có thể xảy ra.