Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp gặp khó khăn “kép”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2015 được dự báo là đạt thấp nhất trong...

Kinhtedothi - Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2015 được dự báo là đạt thấp nhất trong vòng 5 năm qua do khó khăn “kép” về thiên tai và thị trường. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4/11.

Tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Diện tích lúa mùa và hè thu tại các tỉnh phía Bắc đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán, sản lượng lúa mùa toàn miền Bắc ước đạt 5,84 triệu tấn, giảm 1% so với vụ mùa 2014. Diện tích gieo trồng cây vụ đông chỉ đạt 86,4% so với cùng kỳ. Đối với thủy sản, diện tích nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm, trong khi giá tôm nước lợ cũng tiếp tục giảm thấp. Do đó, người nuôi tôm không đầu tư nuôi lớn mà chủ yếu nuôi cầm chừng.
Dưa lê siêu ngọt sản xuất theo quy trình an toàn của xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn. 	Ảnh: Văn Thắng
Dưa lê siêu ngọt sản xuất theo quy trình an toàn của xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Văn Thắng
Điểm dễ nhận thấy nhất là tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay chỉ đạt 30 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 32 tỷ USD và thấp hơn kết quả của năm 2014 (30,86 tỷ USD). Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt 2,08%. Dự kiến hết năm 2015 sẽ đạt 2,21% là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, bởi bình quân tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 là 3,12%/năm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, xuất khẩu nông lâm thủy sản không đạt mục tiêu, bởi năm 2015 ngành nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn kép về thiên tai và thị trường.  Trong đó, riêng với thị trường, khó khăn đến từ các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu giao dịch bằng đồng USD, song từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã phá giá đồng tiền mạnh mẽ so với đồng USD. "Điều này khiến cho nông sản của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, kém sức cạnh tranh so với giá bán của nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc…" - bà Hồng phân tích.

Tiếp tục vượt khó
Tại buổi họp báo, Bộ NN&PTNT đã thông báo việc tổ chức lễ trao giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ II, tôn vinh 63 nông dân tiêu biểu năm 2015 và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” cho 100 DN. Lễ trao giải được tổ chức vào tối 13/11 tại Hà Nội.

Việc khó đạt mục tiêu về xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp trong năm 2015 đã được dự liệu từ một vài tháng trước, khi mà những diễn biến bất lợi trên thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục kéo dài. Mọi hy vọng đổ dồn về khoảng thời gian cuối năm khi các đơn hàng được dự báo sẽ tăng do nhu cầu nông lâm thủy sản phục vụ thị trường cuối năm lớn. Tuy nhiên, đã sang tháng thứ hai của quý IV, tình hình dường như vẫn chưa mấy sáng sủa. Thậm chí theo nhận định của ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), mức cầu về nông sản có thể giảm kéo dài tới quý II/2016. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra cho ngành nông nghiệp thời gian tới.

Một khó khăn khác là không ít thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã nâng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Đồng thời, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ đã gia tăng áp lực cho hàng Việt Nam xuất khẩu. Điển hình như cạnh tranh trong xuất khẩu gạo giữa Việt Nam với Thái Lan và Myanmar đã gay gắt hơn trước đây. Chính vì thế, trong hai tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT tập trung phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, DN theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường nông lâm thủy sản để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng trọng yếu. Đồng thời, rà soát quá trình sản xuất, chế biến theo chuỗi từng sản phẩm và đề xuất các chính sách phù hợp để nâng cao giá trị sản phẩm.