Nông sản được mùa, rớt giá: Không thể giải cứu kiểu tình thế

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình giá củ cải rớt giá mấy ngày qua, ngày 16/3, huyện Mê Linh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ tình thế trước mắt và định hướng sản xuất lâu dài đối với việc sản xuất cây trồng này.

Không dễ tiêu thụ
Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, tổng diện tích sản xuất rau của xã Tráng Việt khoảng 304ha, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Cao. Trong đó diện tích sản xuất củ cải khoảng 80ha chiếm.
Hiện tại, diện tích củ cải đến kỳ thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng từ 1.000 – 1.500 tấn. Trong đó có khoảng 70% diện tích này đã được các thương lái thu mua, tuy nhiên do giá thành thấp nên chưa thu hoạch. Giá củ cải bán tại ruộng hiện khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg, củ cải già dùng để sấy khô, muối có giá thấp nhất là 1.000 đồng/kg. Toàn xã đang có khoảng 20ha củ cải bị ra hoa phải nhổ bỏ (trong đó có 70% diện tích thương lái đã thu mua), gây thiệt hại khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng.
 Nông dân thôn Đông Cao thu hoạch củ cải sáng 15/3.  Ảnh:  Trọng Tùng 
Chia sẻ về nguyên nhân giá củ cải rớt giá, Giám đốc HTX Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho rằng: Sau Tết, thời tiết thuận lợi cho các loại rau như củ cải, su hào, cải bắp… sinh trưởng, phát triển, sản lượng rau cao nên giá bán giảm. Ngoài ra còn có nguyên nhân là do trước Tết củ cải được giá, nhưng nông dân lại có tâm lý “cầm giá” sau Tết để cao hơn, gom hàng vào, khiến cho rau dồn 2 vụ vào cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng dư thừa hàng. Hơn nữa, hiện nay 95% lượng củ cải của Tráng Việt được tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Lượng sản phẩm cung cấp cho DN, siêu thị, bếp ăn tập thể… chỉ từ 3 - 5%. Vì vậy, nông dân thường bị ép giá.

Nói về nghịch lý hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một số loại rau, củ từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc nhưng sản xuất nội địa vẫn dư thừa, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, miền Bắc nước ta không sản xuất được các loại rau ôn đới nên để đa dạng hóa sản phẩm, các DN đã nhập một số loại rau ôn đới từ Trung Quốc như su hào, bắp cải, cà chua… để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu hàng năm không lớn, trong 2 tháng đầu năm 2018, miền Bắc nước ta mới chỉ nhập khoảng 3.000 tấn chủ yếu là su su, khoai tây…

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) khẳng định, DN sẵn sàng vào cuộc chung tay tiêu thụ củ cải cho bà con nông dân. Theo bà Hậu, nếu sản lượng nhiều, hàng hóa dồn ứ, HTX nên thông tin nhanh "giải cứu” bán ra với số lượng nhiều hơn so với ký hợp đồng. Cùng chung tinh thần này, Giám đốc siêu thị Big C Garden Phạm Thùy Linh cho biết: Trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ 10 - 15 tấn củ cải, về lâu dài siêu thị sẽ ký kết hợp đồng với HTX.

Tuy nhiên, hầu hết các DN đều cho rằng, sức "giải cứu" của DN phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, trong khi đó sức mua củ cải hiện nay không cao. Do đó cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, DN cũng đặt ra yêu cầu về tiêu chuẩn VSATTP đối với sản phẩm khi thu mua.

Hướng tới sản xuất bền vững

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Trước mắt, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của TP để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn cho người dân trong thời gian tới. Các siêu thị nên bố trí các điểm bán hàng ngoài sảnh, cơ quan Nhà nước sẽ hỗ trợ công tác truyền thông để mua sản phẩm. Ngoài ra, Sở sẽ làm văn bản gửi đến các cơ quan đoàn thể để giúp nông dân bán với giá ổn định, tiêu thụ toàn bộ số lượng đang còn ứ đọng. HTX cân đối lượng hàng bán tươi, còn lại bao nhiêu thì sấy khô để bán tiếp theo, không để tình trạng người dân nhổ bỏ củ cải vứt ra ngoài đồng, gây lãng phí. Sở Công Thương đã liên hệ được với nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và bánh mứt kẹo Tràng An, hỗ trợ cho người dân sấy khô không lấy công.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trước mắt, địa phương cần tập trung vệ sinh đồng ruộng, dùng chế phẩm sinh học để tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm hình ảnh khu sản xuất củ cải an toàn. Ngành NN&PTNT sẽ có hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chuỗi, hướng tới thị trường xuất khẩu. Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ cho HTX test các mẫu củ cải để công bố chất lượng, bảo đảm yên tâm cho DN, người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài địa phương phải định hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi, thành lập hội sản xuất, đăng ký nhãn hiệu tập thể, phát triển công nghệ chế biến tại địa phương. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất, đa dạng hóa các loại sản phẩm, tiến tới sản xuất các mặt hàng an toàn, có kênh tiêu thụ bền vững.

Trước thực trạng giá một số mặt hàng rau, củ tươi giảm mạnh, khiến người nông dân bị thua lỗ, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, nắm tình hình và đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài về vấn đề này, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất gắn với chế biến và phát triển thị trường, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 19/3.