Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản Việt "ráo riết" bước vào hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói về cánh cửa hội nhập cộng đồng kinh tế Asean (AEC) vào năm 2015 đối với các mặt hàng nông sản, các chuyên gia trong ngành cho biết, trước giờ “G”, các quốc gia trong khối ASEAN chuẩn bị ráo riết trong các chiến lược xâm nhập thị trường khu vực của mình. Còn nông sản VN thế nào ?.

Theo Viện chiến lược chính sách Bộ NN-PTNT, cho đến nay, cung cách sản xuất, quản lý sản xuất, công nghiệp chế biến, phân phối, marketing… đối với tất cả các mặt hàng nông sản VN, vẫn còn rất nhiều điểm bất cập.

Nông sản láng giềng đã sẵn sàng

Đơn cử như Malaysia đã tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm, tài trợ chi phí cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp các nước sang tham dự để làm quen, nắm bắt thị trường của mình, nhằm giúp DN sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, hàng hóa được đưa vào kịp thời ngay khi thuế giảm. Còn theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Cục nông nghiệp mở rộng (Thái Lan) - ông Olan Pituck, họ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường nhằm chuẩn bị cho việc tự do hóa thương mại khi AEC được thiết lập. “Khi sự cạnh tranh trên thị trường nông sản toàn cầu trở lên khốc liệt hơn, Thái Lan cần phát triển tiềm năng và nâng cao hơn khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Chiến lược được vạch ra bởi Ủy ban nông nghiệp hữu cơ quốc gia là định hướng phát triển Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất, thương mại và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ - ông Olan Pituck khẳng định…
Các DN Thái ngày càng tích cực tiếp thị các sản phẩm tại thị trường các nước AEC
Các DN Thái ngày càng tích cực tiếp thị các sản phẩm tại thị trường các nước AEC
Giải pháp cho nông sản Việt

Theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore, hiện có tới 76% DN VN được điều tra không biết gì về AEC. Vì vậy, theo các chuyên gia, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, cải tiến các thu hoạch, khâu thu mua, chế biến, bảo quản, đóng gói ở qui mô công nghiệp. Đặc biệt là hàng rau, quả tươi. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, người nông dân rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước, của các DN, của cán bộ khoa học, của ngân hàng, và cần có chính sách thông thoáng. Trước hết, về phía DN và nhà nước, theo GS Xuân cần xác định rõ vùng nào có thể sản xuất tốt mặt hàng nào để xuất khẩu. DN và nhà nước lo đầu ra, còn nông dân sẽ được tổ chức lại để sản xuất theo một tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, cung cấp nông sản đủ chất lượng. Muốn vậy, tiêu chuẩn mẫu mã phải được xác định rõ ràng. Các cơ quan khoa học kỹ thuật có liên quan sẽ được huy động để chịu trách nhiệm tạo ra giống và kỹ thuật thích hợp. Ví dụ, dưa chuột có dạng quả giống nhau, xoài có kích thước quả giống nhau, chất lượng đồng đều… Các kỹ thuật sản xuất sẽ được từng nông dân nắm vững và làm theo thời vụ, kỹ thuật đồng loạt. Sản phẩm phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Thời vụ thu hoạch sản phẩm dựa theo thời vụ của cây trồng và yêu cầu của khách hàng để xác định. Khi thu hoạch, nếu mẫu mã phù hợp thì giá nông sản phải được trả đúng theo qui định. Ngược lại chất lượng không bảo đảm thì người sản xuất phải chịu giá mua thấp hơn, thậm chí phải bị trả lại...

Đồng quan điểm với GS Xuân, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Yến cũng lấy dẫn chứng rằng, ở Thái Lan, lĩnh vực sản xuất và buôn bán gạo, từ lâu đã được họ tổ chức khá hợp lý. Từng tỉnh có các hiệp hội tư nhân do nhà nước hỗ trợ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiệp hội này tư vấn về kỹ thuật, giống, thời vụ, dự báo thời tiết, giá cả thị trường. Khi thu hoạch, nông dân mang lúa đến trụ sở hiệp hội để bán. Hiệp hội kiểm tra chất lượng lúa hay nông sản nói chung và mua theo giá qui định. Nếu người bán chưa muốn bán sẽ được gửi lại kho của hiệp hội và chịu trả phí lưu kho, chờ đến lúc giá cao rồi bán.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc đầu tư và phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ vào chuỗi ngành hàng, những hạn chế trong thành phần sản xuất và tổ chức quản lý, đặc biệt hạn kỳ sử dụng đất và thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn đã và đang làm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, trà,... không ứng dụng được công nghệ cao, chất lượng thấp, và “được mùa” thì  “mất giá” - giá xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50-60% giá trung bình thế giới. 

Vì vậy, để đột phá nông nghiệp VN chỉ có một con đường duy nhất, đó là áp dụng chính sách nông nghiệp/đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, có như vậy mới tạo động lực để người nông dân và các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng nông phẩm, thích nghi với nhu cầu của các thị trường và tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt trong kỷ nguyên hội nhập.