Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản Việt và nỗi buồn thương hiệu

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi số lượng tăng lên thì giá trị nông sản xuất khẩu của ta tiếp tục giảm xuống.

Chỉ trong 10 năm, giá gạo của Việt Nam giảm 13,5%, thậm chí năm nay, tỷ lệ sụt giảm này đã ảnh hưởng đáng kể tới mức tăng trưởng chung, đó là một vấn đề nóng trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội hiện nay.
 Bưởi Diễn cho quả ngon nhất vào dịp Tết Nguyên Đán.
Sở dĩ có tình trạng đó là do hàng nông sản của nước ta, trong đó có Hà Nội tuy lớn về sản lượng nhưng thiếu thương hiệu. Cùng một loại gạo, có thương hiệu bán cao hơn không có thương hiệu từ 20 - 30%. Dự kiến 15 - 30 năm tới, giá trị gạo của Việt Nam còn giảm hơn nữa nếu vẫn không có thương hiệu. Trong khi đó, theo số liệu trong cuộc hội thảo về thương hiệu vừa qua, mặc dù nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Đây chính là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường rất yếu và gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Thống kê cho thấy, hiện mới chỉ có khoảng 15% trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là của các DN trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu.
Một kết quả nghiên cứu khác về thị trường cho thấy, có 3 loại nông sản mà người tiêu dùng thường mua loại có nhãn hiệu là gạo, cà phê, nước mắm và 85% số người được hỏi cho biết sẽ chấp nhận trả giá chênh lệch từ 5 - 10% để mua được sản phẩm nông sản có thương hiệu. Thế nhưng, hầu hết các hàng hóa nông sản loại này, nhất là hàng hóa dạng thô, đều không có thương hiệu. Chẳng hạn như gạo của Việt Nam xuất khẩu luôn đứng top đầu thế giới, nhưng đều được nước ngoài nhập khẩu, chế biến lại đóng bao bì và bán dưới tên thương hiệu khác. Trong khi đó, gạo của Campuchia, tuy xuất khẩu rất muộn, sau chúng ta và diện tích chỉ 3 triệu héc ta thôi, nhưng cho đến nay là nhà xuất khẩu thứ 5 thế giới và thương hiệu gạo Campuchia đã được biết đến trên thị trường.
Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là chúng ta chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, manh mún từ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất những mặt hàng nông sản này. Ông Reindert Dekker - chuyên gia của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển (Bộ Ngoại giao Hà Lan) cho rằng: “Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu và xuất khẩu thô quá nhiều, điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Do đó, các DN cần liên kết để tạo thế chủ động và xây dựng cho mình một thương hiệu đủ mạnh, bền vững”.
TP Hà Nội có nhiều nông sản có giá trị trên thế giới cũng như trong nước như gạo tám, gạo thơm, gạo nếp; nhãn chín muộn, cam Phú Diễn, bưởi đỏ Tráng Việt, khoai lang Sóc Sơn, hoa Mê Linh, rau cải Gia Lâm… Tuy nhiên, gần như những nông sản này trên thị trường đều không có thương hiệu. Do ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các DN Việt Nam vẫn còn rất kém, nhất là các DN kinh doanh nông sản.
Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, các DN phải thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Mới đây, TP cùng Liên minh các HTX mở siêu thị nông sản sạch với hơn 1.000 loại hàng nông sản có thương hiệu, có chỉ dẫn xuất xứ, nhưng sự hưởng ứng của xã hội chưa nhiều. Nhiều cửa hàng, điểm bán hàng phải đóng cửa vì không có khách. Có thể nói như vậy về rau sạch, rau hữu cơ, rau VAG. Nhiều thôn, xã, cánh đồng hàng chục năm nay chuyên sản xuất rau sạch nhưng vì không có thương hiệu, không có nơi giới thiệu thương hiệu nên đầu ra rất khó khăn, không phát triển được.
Rõ ràng việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam cũng như Hà Nội còn cần có thời gian, trong đó ý thức của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Nhà nước, các cơ quan kinh doanh và toàn xã hội là những yếu tố vô cùng cần thiết.