Ngày 23/5, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập”.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định các nước ngày càng gia tăng yêu cầu, quy định đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu. Đơn cử như Mỹ, mỗi năm nhập khẩu 15% hàng thực phẩm, trong đó có 75% lượng thủy sản, 20% hàng rau quả, 50% trái cây là nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, yêu cầu về ATTP được nước này rất quan tâm. Luật hiện đại hóa ATTP được Mỹ đưa ra năm 2011 nhằm đảm bảo rằng sản phẩm thực phẩm đưa vào Mỹ đảm bảo an toàn như được sản xuất trong nước.
Trong đó có quy định hệ thống kiểm soát chặt chẽ mang tính phòng ngừa, từ văn bản, yêu cầu kiểm tra với tần suất ít nhất 600 cơ sở ở nước ngoài. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ phản ứng kịp thời với những vấn đề phát sinh như tạm dừng đăng ký với các DN và yêu cầu tăng cường truy xuất. Nếu DN tạm ngừng đăng ký về lâu dài mà không có thay đổi sẽ bị cấm xuất khẩu vĩnh viễn vào thị trường nước này.Bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia về chuỗi cung ứng thực phẩm và ATTP cũng cho hay, tại khu vực EU, sau sự cố bò điên năm 1996, khung pháp lý liên quan đến quản lý ATTP cũng được thiết lập lại ở phạm vi quốc gia và khu vực. Trước đây, ATTP thuộc về trách nhiệm của khối công, nhưng hiện nay cả khối công và tư nhân cùng gánh vác trọng trách này. Đặc biệt, EU cũng quy định thực hiện kiểm tra ATTP không báo trước, dựa trên rủi ro và với tần suất thích hợp. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Kim Thanh cho biết thêm, trước đây, các thị trường chủ yếu yêu cầu về ATTP nhưng nay, nhiều thị trường khó tính còn yêu cầu về tính trách nhiệm trong sản phẩm nông sản thực phẩm. Đó là trách nhiệm với người lao động, môi trường sinh thái. Đây là yêu cầu rất khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.Trước những thách thức này, các chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu. Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã đưa ra bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao tiêu chuẩn hội nhập”. Trong đó khuyến khích các DN quan tâm hơn đến tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu hiện đại hóa về ATTP của thế giới.