Vẫn còn 5% bom, đạn đã sử dụng trong chiến tranh chưa nổ

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bom mìn tồn sót trong chiến tranh tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Hơn 100.000 người bị chết và bị thương vì bom, mìn
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4/2020), ngày 4/4, Bộ LĐTB&XH đã thông tin về tình hình ô nhiễm bon mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh ở Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới.
 Hơn 100.000 người bị chết và bị thương vì bom, mìn. Ảnh: Internet.
Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15.350.000 tấn (trong đó có 7.850.000 tấn thả từ máy bay và 7.500.000 tấn sử dụng trên mặt đất). Tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%).
Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hoá học.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng tại một số tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Thực trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm khắc phục hậu quả bom mìn, tổ chức rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng do Bộ LĐTB&XH triển khai, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.
Nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học
Các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật (NKT) nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ (trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học). Năm 2019 đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Cũng trong năm 2019, ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 tỷ đồng để  thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội) và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT.
Đến nay cả nước có trên 1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, trên 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc NKT tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Và, nhiều trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Đã có nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân bom, mìn. Ảnh: Internet.
Đã có 50 tỉnh, TP triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Năm hệ thống bệnh viện, trung tâm, cơ sở chuyên khoa... đã hỗ trợ cấp dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 6.447 NKT, sàng lọc cho 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và cho 25.000 người nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe...
Hiện cả nước có trên 1,6 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có trên trên 90.000 trẻ khuyết tật nặng (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học) có khả năng học tập được đi học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ, ngành và địa phương, năm 2019, khoảng 20.000 NKT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước; hỗ trợ  2.277 NKT vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 NKT. Hội người mù Việt Nam được giao gần 51 tỷ đồng triển khai tại 51 tỉnh, TP cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT, nạn nhân bom mìn và nạn nhân chất độc hóa học.
Về tiếp cận giao thông, năm 2019 có 41.236 lượt NKT được miễn, giảm giá vé từ 25% đến 100% khi tham gia giao thông đường bộ; có 8.194 lượt NKT được giảm 30% giá vé khi tham gia đường sắt; Tổng Công ty hàng không Việt Nam áp dụng chính sách giá vé ưu đãi, hành khách là NKT.
Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ TT&TT tiếp tục nghiên cứu, chế tạo găng tay hỗ trợ người câm trong giao tiếp bằng cách chuyển đổi cử chỉ của bàn tay sang giọng nói; thiết kế và chế tạo hệ thống tương tác thông minh hỗ trợ NKT. Bộ này đã thiết kế hệ thống chuyển đổi từ ngôn ngữ ký hiệu sang bảng chữ cái tiếng Việt cho người câm điếc dựa trên công nghệ nhận dạng hình ảnh.
Đến nay, đã có 46 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT có khó khăn về tài chính. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.265 lượt NKT có khó khăn về tài chính.