Tại Hội nghị, Phó Giám đốc BHXH TP Bùi Ngọc Hà đã giới thiệu với người lao động về những điểm mới trong Luật sửa đổi bổ sung Luật BHXH; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đặng Minh Thuần hướng dẫn về thực hiện Nghị định 122 ngày 14/11/2015 của Chính phủ về “Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”. Hai văn bản luật này đều chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.
Với sự có mặt của hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo, cán bộ nhân sự, cán bộ công đoàn và người lao động đến từ các DN thuộc 3 khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Quang Minh và Nội Bài, các vấn đề về căn cứ tính BHXH, BHYT, thủ tục để tính chế độ bảo hiểm cho người lao động, ốm đau, nghỉ thai sản, cùng một loạt vấn đề liên quan đến quy định mức lương tối thiểu vùng… đã làm “nóng” hội trường suốt gần 4 giờ đồng hồ.ểu
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị
Trong đó, chế độ chính sách liên quan đến BHXH, BHYT là nhóm vấn đề nhận được nhiều quan tâm nhất. Căn cứ vào Luật sửa đổi bổ sung Luật BHXH, người lao động không biết những cơ sở y tế có thẩm quyền cấp nào để họ tiện liên hệ khi có nhu cầu kiểm tra sức khỏe để được hưởng các chế độ liên quan.
Đại diện BHXH TP cho biết, theo Điều 40 Luật Khám chữa bệnh, “cơ sở khám chữa bệnh đủ thẩm quyền” là cơ sở được cấp giấy phép được hoạt động khám chữa bệnh từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Sở Y tế). Để được cấp giấy phép này, cơ sở đó lại phải có đủ các điều kiện theo Điều 42 của Luật Khám chữa bệnh.
Đối với câu hỏi về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, theo lãnh đạo BHXH TP, từ 1/1/2016, người lao động đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện trên địa bàn tỉnh sẽ có quyền được đi khám chữa bệnh tại mọi cơ sở từ tuyến huyện trở xuống trên địa bàn tỉnh đó và vẫn được hưởng như quyền lợi ban đầu.
Nhiều ý kiến đối thoại tại hội nghị
|
Đặc biệt, liên quan đến giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (còn gọi giấy C65), nhiều trường hợp người lao động mang C65 lên nộp cho BHXH thì được trả lời là không hợp lệ, kết quả là họ không được thanh toán tiền. Vậy ai chịu trách nhiệm cho việc giấy tờ của người lao động bị sai? Phó Giám đốc BHXH TP Bùi Ngọc Hà cho biết: Mỗi lần thay đổi mẫu C65, cơ quan BHXH đều có văn bản hướng dẫn gửi tới mọi cơ sở khám chữa bệnh, DN và BHXH các quận, huyện, thị xã; cấp mẫu C65 cho các cơ sở khám chữa bệnh.
“BHXH đã thực hiện đúng. Còn cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phải cấp đúng, nếu không triển khai kịp thời thì phải chịu trách nhiệm. Mẫu C65 là chứng từ để thanh toán chế độ nằm điều trị ngoại trú của người lao động để hưởng chế độ BHXH đang bị lạm dụng, do người lao động mua giấy này ở một số nơi không phải của BHXH rồi tự điền tên vào. Chính người lao động đang thiếu trung thực với chủ sử dụng lao động và cơ quan BHXH. Nếu không quản lý chặt chẽ, giấy này sẽ càng ngày càng bị lạm dụng. Cơ sở khám chữa bệnh phát hành ra mẫu đó không đúng quy định thì phải cấp lại, nếu không cấp lại thì đề nghị chủ sử dụng lao động gửi công văn về, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Hà khẳng định.
Trả lời những thắc mắc về mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 122, bà Nguyễn Thị Oanh - Trưởng phòng Lao động & Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) nêu rõ: Điều 90 Bộ luật Lao động quy định, “tiền lương” được cấu thành bởi 3 yếu tố gồm mức lương theo chức danh công việc, phụ cấp và các khoản thu nhập khác. Lương tối thiểu chỉ là mức lương theo chức danh công việc. “Từ trước tới nay, hàng năm khi tăng tiền lương tối thiểu vùng, rất nhiều DN chỉ điều chỉnh tiền lương này cho những người làm công việc giản đơn. Như vậy, chưa đảm bảo quy định về tăng lương tối thiểu vùng. Chủ sử dụng lao động cần biết, điều chỉnh lương tối thiểu vùng chính là căn cứ để xem xét điều chỉnh các mức lương trong DN, phải đảm bảo phù hợp, hài hòa và tương quan giữa các vị trí chức danh trong công việc, tránh tình trạng người mới vào được hưởng mức lương gần như người đã làm 1 - 2 năm rồi”, bà Oanh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đặng Minh Thuần, mức lương tối thiểu vùng hiện mới đáp ứng khoảng 70% mức sống tối thiểu. Dù các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội đã chi trả cho người lao động vượt qua mức lương tối thiểu vùng, nhưng Nhà nước vẫn khuyến khích các đơn vị trả vượt mức này để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
“Lương tối thiểu vùng quy định cho mọi đơn vị DN, tổ chức có sử dụng lao động nằm trên vùng đó phải thực hiện. Đây chính là “lương cứng”, mức lương thấp nhất mà Chính phủ quy định trong điều kiện công việc giản đơn và người lao động đảm bảo định mức lao động theo quy định đó. Còn phụ cấp và các khoảng thu nhập khác là những yếu tố cùng cấu thành nên tiền lương”, ông Thuần giải thích.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Hội nghị lần này cùng một số cuộc đối thoại sẽ được tổ chức từ nay đến cuối năm nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan chức năng của TP chuyển tải thông tin mới nhất về chính sách lao động, tiền lương, BHXH tới người lao động, người sử dụng lao động và nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở trên địa bàn TP. Mục tiêu cao nhất chính là làm thế nào hoàn thiện và thực hiện tốt nhất các chính sách cho người lao động.