Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nộp thuế điện tử: Đừng để DN "nản" khi không dùng tiền mặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính tới hiện tại mới chỉ có hơn 40% DN thực hiện nộp thuế điện tử, chưa được 1/2 so với chỉ tiêu 90% do ngành thuế đặt ra trong năm 2015.

Chia sẻ bên lề Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2015), ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hiện tại, đã có hơn 476.000 DN đăng ký nộp thuế điện tử, chiếm 92% số DN đang hoạt động nhưng chỉ có hơn 213.000 DN thực hiện nộp thuế theo phương thức này (vào khoảng hơn 41%).

Theo ông Trí, việc nộp thuế điện tử chưa đạt được kết quả như ngành thuế đã đề ra trong năm 2015 (90% DN thực hiệp nộp qua phương thức điện tử), có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía cơ quan thuế còn có một số hoạt động cần điều chỉnh, các thủ tục còn chưa được tối ưu, có thể kể đến như sử dụng chữ ký số còn bất cập ...
Nhiều DN vẫn "ngại" nộp thuế không sử dụng tiền mặt
Nhiều DN vẫn "ngại" nộp thuế không sử dụng tiền mặt
Đối với DN, vấn đề chính nằm ở cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhiều DN chưa đáp ứng đủ điều kiện nên cũng chưa sẵn sàng cho việc nộp thuế điện tử, ông Trí chia sẻ. Bên cạnh đó việc tuyên truyền cũng chưa thực sự đi sâu, khiến nhiều DN chưa thực sự hiểu rõ về việc nộp thuế điện tử sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng từ việc đăng ký cho đến thực hiện nộp thuế điện tử là chặng đường dài. Sử dụng tiền mặt đã là văn hóa của người Việt Nam từ lâu, chính vì vậy cần bắt đầu từ việc xây dựng lòng tin, để DN không thấy "nản" khi nộp thuế không sử dụng tiền mặt, qua đó mới có thể khiến họ thực sự tin và sử dụng phương thức này.

Việc áp dụng thu thuế điện tử không chỉ góp phần vào cải cách hành chính hỗ trợ DN mà còn khiến việc quản trị DN được minh bạch hơn. Điều này sẽ giúp các DN bắt nhịp đối với xu hướng hội nhập, nhất là khi chúng ta đang tham gia vào các hiệp định quốc tế FTA. Để hội nhập quốc tế, DN cần thay đổi tư duy thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là chuyển qua thanh toán điện tử, ông Lộc đưa ra lời khuyên.

Nhằm thúc đẩy thu thuế điện tử được hiệu quả hơn, theo ông Lộc, các ngân hàng và trung gian thanh toán cần kết nối đa dạng và nhiều hơn nữa nhằm hỗ trợ tối đa DN trong quá trình nộp thuế. Về phía DN cũng cần tăng cường năng lực CNTT, thay đổi tư duy về phương thức thanh toán, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, ông Lộc nói.

Người đứng đầu VCCI cũng kêu gọi Nhà nước phải đầu tư hơn nữa, huy động các DN CNTT vào cuộc để xây dựng hạ tầng công nghệ cho hệ thống thu thuế điện tử. Cần đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, không tắc nghẽn cũng như tối ưu đúng theo chuẩn quốc tế.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Toàn Thắng- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để nâng cao hiệu quả của nộp thuế điện tử có yếu tố quan trọng nằm ở hạ tầng CNTT, chính vì vậy cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều phía. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp cùng Bộ Tài chính nhằm xây dựng hệ thống kết nối liên thông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phía DN nộp thuế.

Để DN dễ dàng chấp nhận hơn với phương thức thu thuế mới, cần có những ưu đãi cụ thể, ví dụ như DN tích cực đóng thuế điện tử sẽ được miễn một số nghĩa vụ thuế nhất định khác. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã áp dụng Mobile POS dành cho các DN vùng sâu, vùng xa nộp thuế điện tử, hình thức này tiện lợi và ổn định hơn so với các máy POS (máy thanh toán thẻ).

Nhằm tạo thuận lợi cho DN nộp thuế, ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó có 3 ngân hàng nước ngoài nhằm cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Chiến lược dài hạn của ngành thuế sẽ là triển khai toàn diện các dịch vụ thuế điện tử nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, từ đó tiết kiệm tối đa thời gian và nhân lực của DN.