KTĐT - Bằng cách nhận ra những “nốt trầm” đó và hành động kịp thời để vượt qua chúng, bạn sẽ tiếp tục mong chờ tới cơ quan làm việc vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần.
Những thách thức, nhiệm vụ đa dạng với nhịp độ nhanh đã từng là nguồn cảm hứng bất tận để bạn yêu thích và đam mê công việc của mình. Giờ đây, việc tổng hợp hóa đơn hay tính toán các con số nhỏ đến một phần triệu khiến bạn đau đầu và mệt mỏi. Bạn dường như không còn yêu thích công việc đó nữa nên cảm thấy khó khăn để xác định cần làm gì tiếp theo.
Bạn không ghét công việc của mình nhưng cũng không còn yêu thích, đam mê như những ngày đầu? Có thể bạn đang rơi vào một trong ba “nốt trầm” thường gặp trong sự nghiệp.
Bạn cảm thấy “quá tải”
Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã đặt nhiều nhân viên vào một thách thức lớn. Bạn được yêu cầu làm việc nhiều giờ hơn với trách nhiệm cao hơn. Kết quả, bạn cảm thấy “quá tải” và mệt mỏi với công việc hằng ngày.
Thay vì cho qua và chịu đựng sự “quá tải” đó, hãy nói chuyện với sếp. Có thể anh/chị ấy quá bận rộn như bạn và không nhận thấy tình trạng của bạn. Do đó, hãy trình bày với sếp và đề xuất giải pháp như chia sẻ một phần công việc với đồng nghiệp hoặc hoãn lại một số dự án có mức ưu tiên thấp. Bạn cũng có thể xin sếp lời khuyên để giải tỏa căng thẳng.
Công việc của bạn không đi đến đâu
Bạn đã làm việc ở vị trí của mình một thời gian nhưng dường như không có sự tiến triển nào cả. Bạn cảm thấy mình đã rất cố gắng, nhưng các dự án lớn hoặc cơ hội thăng tiến luôn được trao cho đồng nghiệp bạn.
Trong tình huống này, bạn hãy đánh giá lại bản thân, xác định điểm mạnh, điểm yếu và những chướng ngại vật trên con đường phát triển sự nghiệp của bạn. Có thể bạn sẽ tìm ra nguyên nhân. Ví dụ đó là do bạn thiếu các kỹ năng cần thiết của một người quản lý, không đáp ứng được yêu cầu của cấp trên, không có sự tương tác tốt với đồng nghiệp…
Từ đó, bạn sẽ xác định được các bước cần thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, bạn cũng có thể trực tiếp gặp sếp để bộc lộ mong muốn phát triển lên vị trí cao hơn của mình và xin sếp những lời khuyên hữu ích.
Công việc không còn đem lại nguồn cảm hứng cho bạn
Những thách thức, nhiệm vụ đa dạng với nhịp độ nhanh đã từng là nguồn cảm hứng bất tận để bạn yêu thích và đam mê công việc của mình. Giờ đây, việc tổng hợp hóa đơn hay tính toán các con số nhỏ đến một phần triệu khiến bạn đau đầu và mệt mỏi. Bạn dường như không còn yêu thích công việc đó nữa nên cảm thấy khó khăn để xác định cần làm gì tiếp theo.
Tốt nhất để bắt đầu lại là hãy lập một danh sách những khía cạnh công việc mang lại cho bạn sự thỏa mãn lớn nhất. Từ đó, bạn có thể tìm ra giải pháp ngay trong công việc hiện tại.
Ví dụ, nếu bạn thích lên kế hoạch cho các sự kiện, bạn có thể tận dụng các cơ hội để thực "hiện thực hóa" điều đó trong công ty như tham gia thành phần ban tổ chức của các cuộc hội thảo, họp báo…
Những hoạt động ngoại khóa thường kỳ của công ty cũng là một “liều thuốc” tái sản xuất sự nhiệt tình, đam mê với công việc của bạn. Bạn cũng có thể làm thêm bên ngoài để mở rộng kiến thức. Áp dụng tài năng của mình theo những cách mới mẻ và thú vị sẽ khiến bạn trở lại văn phòng với nhiều cảm hứng hơn.
Nhìn chung những “nốt trầm” không hoàn toàn là điều tiêu cực. Chúng thậm chí còn được coi là chất xúc tác để đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp khi đem đến những thay đổi tích cực và sự thỏa mãn công việc nhiều hơn.
Bằng cách nhận ra những “nốt trầm” đó và hành động kịp thời để vượt qua chúng, bạn sẽ tiếp tục mong chờ tới cơ quan làm việc vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần.
Chúc bạn thành công!