Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NSƯT Trần Hạnh: "Tôi hài lòng với cuộc sống của mình"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thật lạ khi người ta cứ nghĩ, đã là diễn viên thì luôn ăn mặc sang trọng, giàu có… Diễn viên đâu cứ phải hào nhoáng, bóng bẩy. Điều quan trọng với một nghệ sỹ là phải được gọi tên bằng vai diễn!"

Hà Nội trở lạnh. Trầm ngâm bên chén trà ấm với chiếc áo khoác sờn cũ và chiếc kaki đã bạc màu, nghệ sỹ ưu tú Trần Hạnh bảo: “Sao người đời cứ nghĩ, đã là nghệ sỹ, diễn viên thì phải hào nhoáng, bóng bẩy? Phía sau màn ảnh nhỏ thì chúng tôi cũng là những con người bình thường của nhịp sống thường nhật thôi!”
Nghệ sỹ ưu tú Trần Hạnh (người thứ hai từ phải sang) trong một cảnh phim
Nghệ sỹ ưu tú Trần Hạnh (người thứ hai từ phải sang) trong một cảnh phim.
Người nghệ sỹ già kể, nhiều người gặp ông đều nói: Thật khó để tìm ra sự khác biệt giữa dáng vẻ khắc khổ đời thường của ông lão Trần Hạnh so với hình ảnh của nghệ sỹ ưu tú Trần Hạnh trong những vai diễn ở các bộ phim truyền hình mà ông tham gia. 

“Có lẽ vì thế mà người ta vẫn gọi tôi là ‘lão nông dân của màn ảnh Việt’ chăng?” nở nụ cười hiền từ, nghệ sỹ Trần Hạnh tâm sự. 

- Cả một đời gắn bó với nghiệp diễn viên, có khi nào ông cảm thấy tiếc nuối và muốn chuyển sang một công việc khác không, thưa nghệ sỹ?

NSƯT Trần Hạnh: Nói chung, cả cuộc đời này, tôi chưa có gì để phải nuối tiếc. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình cho dù đó không phải là một cuộc sống sung túc về vật chất. 

Người ta nói tôi khổ nhưng tôi lại thấy mình vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người. Ở tuổi ngoài 80 tôi, nhiều người đã yếu và phải cậy nhờ con cháu. Thế nhưng, tôi vẫn có sức khỏe tốt để tự chăm lo cuộc sống và tiếp tục đóng phim. Đó vừa là niềm vui của một người nghệ sỹ nhưng cũng là một công việc giúp tôi có thêm “đồng ra đồng vào.”

Với nghiệp diễn, tôi chỉ tiếc rằng, có những lần mình đã không làm tròn vai. Khi xem lại những cảnh mình diễn chưa “tới,” tôi tiếc lắm và chỉ muốn được ghi hình lại.

- Là một nghệ sỹ lão thành với nhiều trải nghiệm cả trong cuộc sống và nghệ thuật, ông tâm đắc nhất với điều gì, thưa nghệ sỹ?

NSƯT Trần Hạnh: Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, cuộc đời không cho không ai tất cả và cũng sẽ không lấy đi của ai tất cả. Tôi đã gắn bó gần 60 năm với nghiệp diễn viên và nghề diễn cũng đã cho tôi rất nhiều. Tôi không có cuộc sống giàu sang nhưng tôi lại có nhiều thứ khác mà nhiều người muốn cũng không được đâu!

- Đó là những gì vậy, thưa ông?

NSƯT Trần Hạnh: Đó là mối quan hệ bạn hữu với nhiều người ở cả trong Nam và ngoài Bắc, là tình cảm của những người đồng nghiệp…

Ra đường, nhiều người nhận ra mình và nói “chào bác Trần Hạnh” cũng khiến tôi thấy ấm lòng. Thế nhưng, có một dạo, người ta cứ bàn tán ầm lên chuyện tôi nghèo, tôi sống khổ sở với đứa con trai bệnh tật... Rồi người ta kéo đến xem ngôi nhà tôi ở với thái độ tò mò, thương hại nhiều hơn là sự cảm thông, tôn trọng.

- Thưa nghệ sỹ, câu chuyện ấy có lẽ bắt nguồn từ việc, các diễn viên thường là những người nổi tiếng và luôn thu hút sự quan tâm của công chúng?

NSƯT Trần Hạnh: Đành rằng là như thế nhưng xin đừng nói nhiều đến cuộc sống riêng tư của nghệ sỹ chúng tôi như vậy!

Mỗi người có một hoàn cảnh và tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi sống bằng sức lao động của mình và tôi thấy vui vì điều đó.

Khán giả hãy quan tâm đến chúng tôi với tư cách là những nghệ sỹ: Hãy xem diễn xuất của chúng tôi trong các bộ phim có đạt không? Đừng nhìn sâu quá vào đời sống riêng của chúng tôi!

Mà cũng thật lạ khi người ta cứ nghĩ, đã là diễn viên thì luôn ăn mặc sang trọng, giàu có… Diễn viên đâu cứ phải hào nhoáng, bóng bẩy. Điều quan trọng với một nghệ sỹ là phải được gọi tên bằng vai diễn!

- Trong số những vai diễn của mình, ông cảm thấy hài lòng nhất với vai diễn nào, thưa nghệ sỹ?

NSƯT Trần Hạnh: Vai diễn thì nhiều và tôi cũng chẳng thể nhớ được chính xác tổng số những vai diễn mình đã tham gia. Trước khi về hưu (năm 1989), tôi là một diễn viên sân khấu kịch.

Tôi rất thích vai Nguyễn Trãi trong vở kịch “Lam Sơn tụ nghĩa.” Trong cuốn sách “Người Hà Nội,” nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã viết rằng, trong số bốn, năm người từng vào vai Nguyễn Trãi tính đến thời điểm đó, chỉ có Trần Hạnh thể hiện được phong thái hào hoa của người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Thế nhưng, từ khi về hưu, tôi lại toàn vào vai những ông bố nông dân trong các bộ phim truyền hình. Có lẽ, các đạo diễn thấy tôi (từ ngoại hình, cách ăn mặc đến cách sống…) phù hợp với việc đóng vai những ông bố nông dân.

Những trải nghiệm thực trong cuộc sống đã giúp tôi rất nhiều trong việc diễn xuất, biểu hiện tâm lý nhân vật. Trong nhiều hoàn cảnh, tôi diễn bằng cảm xúc, tâm sự thật của chính mình.

Ngày nào rảnh rỗi, tôi vẫn lấy kịch bản cũ của những bộ phim đã đóng ra đọc lại như một niềm vui của tuổi già. Tôi không mất quá nhiều thời gian để thuộc lời thoại của nhân vật; nhưng lại rất hay nhớ nhầm hoặc quên hẳn giá cả các mặt hàng khi bán hàng giúp cô con dâu (cười!).

- Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn khỏe!