KTĐT - Đánh giá ngôi vô địch của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là ấn tượng nhất ở SEA Games 25, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh còn cho rằng: “Những điều tốt đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam đều được đội tuyển bóng đá nữ thể hiện tại SEA Games 25.
Về kỹ chiến thuật, chúng ta không hơn Thái Lan nhưng chính sự dũng cảm và tinh thần thi đấu không mệt mỏi đã đem lại thành công. Cả trong 120 phút thi đấu lẫn loạt sút luân lưu, các nữ cầu thủ đều thể hiện bản lĩnh chứ không cuống cuồng như đội tuyển U23 nam”. Đoàn Thị Kim Chi hẳn là minh chứng điển hình cho lời khen của ông Vinh.
Buổi đầu còn “giao bóng không đúng luật”
Năm 1997, Đoàn Thị Kim Chi đang là sinh viên bộ môn điền kinh ở Trường đại học TDTT T.Ư 2 (nay là Đại học TDTT TP.HCM) thì được mời tham gia vai quần chung trong cảnh quay một trận đấu bóng đá của phim Bình minh châu thổ. Nhờ vậy, HLV Trần Anh Tuấn mời luôn Kim Chi thử sức ở đội tuyển bóng đá nữ TP.HCM. Nhớ lại buổi đầu làm quen trái bóng, Kim Chi tâm sự: “Lúc đó, tôi chưa biết gì về kỹ thuật và chiến thuật, thậm chí giao bóng còn không đúng luật”. Do mải mê với bóng đá nên năm 2003, Chi mới tốt nghiệp đại học, chậm 2 năm so với bạn học cùng khóa.
Thuở nhỏ, Kim Chi cũng không mê búp bê, nhưng lại rất thích xem bóng đá cùng cha. Mới 9 tuổi, Kim Chi xem truyền hình không sót trận nào của EURO 1988. Đến khi vào ĐH TDTT, chiều nào Chi cũng ôm bóng ra sân chơi “lùa vịt” với các bạn nam cùng khóa. Nhờ vậy mà khi chuyển sang bóng đá, Chi hòa nhập nhanh với đồng đội.
Ở đội tuyển bóng đá nữ TP.HCM và ĐTQG, Kim Chi luôn là người dẫn đầu trong các đợt kiểm tra thể lực. Trên sân cỏ, Kim Chi hoạt động không biết mệt mỏi ở vai trò tiền vệ con thoi. Điều này cũng nhờ kinh nghiệm của một VĐV điền kinh từng đạt chuẩn kiện tướng quốc gia. Lúc còn ở đội tuyển điền kinh tỉnh Bến Tre, Chi đoạt khá nhiều huy chương các giải trẻ toàn quốc. Năm 1998, dù đã chuyển sang bóng đá nữ, Kim Chi vẫn được Sở TDTT Bến Tre giữ nguyên chế độ của một kiện tướng điền kinh, đến hết năm 2001.
Không quan trọng hóa vẻ đẹp ngoại hình
Khi có phóng viên đề nghị Quả bóng vàng Đoàn Thị Kim Chi diện áo dài để chụp ảnh, “nàng” mới bẽn lẽn thú thật: “Mọi người đừng cười. Tôi chẳng có chiếc áo dài nào. Mỗi khi đi đám cưới hoặc tiệc sinh nhật, tôi thường mặc quần jeans và áo sơ-mi. Từ nhỏ đến lớn, tôi cũng chưa mặc váy”. Ngay như son phấn cũng không là “vật bất ly thân” của Kim Chi. Có một chuyện ai nghe cũng cười xòa, rồi cay cay mắt là: Có lần Kim Chi chở một nữ cầu thủ đi chơi loanh quanh TP.HCM nhân ngày 8/3, người ta tưởng Chi là “chàng” đang đưa bạn gái đi chơi nên mời mua hoa. “Chuyện bị nhầm là con trai, nghĩ lại tủi thân lắm”, Kim Chi có vẻ xót xa.
Ít ai biết, chính cha là người hay mua mỹ phẩm, và khuyến khích Kim Chi dùng mỹ phẩm để... nhanh có người yêu, nhưng Chi cũng chẳng quan tâm chuyện trang điểm mà chỉ dùng kem dưỡng da để... đỡ bị nổi mụn. “Thú thực, những lần đi chợ hay vào siêu thị, thấy mỹ phẩm, tôi hay tò mò đứng nhìn, và chỉ nhìn thôi. Khi nào hết tập trung vào đá bóng, và nghỉ đá bóng, có nhiều thời gian rảnh hơn, tôi sẽ quan tâm đến việc làm đẹp”, Kim Chi nói về những hy sinh cho niềm đam mê đá bóng của mình.
Và sự hy sinh này không uổng phí, bởi tháng 5/2009, đội tuyển bóng đá nữ đã triệu tập trở lại Kim Chi dù chị đã tuyên bố nghỉ thi đấu và trở thành HLV tuyển trẻ ở TP.HCM từ năm 2008. Đặc biệt, ở SEA Games 25, nữ cầu thủ cao tuổi nhất (30 tuổi) này còn đảm đương vị trí tiền đạo trong hoàn cảnh hai cầu thủ trẻ Lê Thị Oanh và Nguyễn Thị Minh Nguyệt chưa lấp hết khoảng trống của Ngọc Châm. Một lần nữa, ý thức là “đầu tàu” thúc đẩy Đoàn Thị Kim Chi nghị lực và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhớ lại hình ảnh Kim Chi vẫn rỉ máu đầu, dù đã được quấn băng mà vẫn ghi bàn thắng “thần sầu” mở tỷ số trong trận gặp Myanmar. Rồi nhớ luôn cái đoạn Kim Chi ngã đập đầu xuống đất đến tóe máu nhưng vẫn đòi “chiến đấu” tiếp chỉ sau 4 phút được săn sóc y tế. Chính những hình ảnh này đã khiến biết bao người hâm mộ bóng đá rưng rưng niềm thương cảm.
Yêu thương và chia sẻ mãi là... nữ tính
Trong buổi giao lưu tại báo Phụ nữ TP.HCM cuối tháng 12/2009, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng nữ cầu thủ rất là... nữ tính, như việc đàn chị Kim Chi ân cần chỉnh trang lại trang phục cho đàn em trước giờ giao lưu. Kim Chi là vậy đấy, thật thà như đếm, chịu thương chịu khó, và biết nghĩ cho người khác. Những đức tính này, ngẫm lại, mới thực là “cái nết đánh chết cái đẹp”, mới là điểu khiến nhân loại mãi mãi dựa vào... phụ nữ. Nói về chuyện chơi bóng đá mà xa nhà, Kim Chi thủ thỉ: “Ba tôi ủng hộ, chỉ có má là luôn lo lắng...”.
Gia đình luôn là bến bờ yêu thương, Kim Chi “già” nhất đội, nhưng luôn là con gái cưng trong mắt cha, như cái chuyện: “Khi tôi 27 tuổi đầu rồi mà vẫn chưa có người yêu, ba mua mỹ phẩm cho tôi và nói “con phải chịu khó dùng mỹ phẩm chứ đen đúa thế này ai chịu để ý!”. Nghe vậy, tôi chẳng lo lắng về mình, lại càng thương ba”. Có lẽ vì vậy, mà sau mỗi giải, dù thắng hay thua, Kim Chi đều về nhà: “Ở đó có sự bình an. Đội tuyển thắng, ba má còn vui hơn tôi, họ hàng, lối xóm chúc mừng rôm rả. Khi thất bại, tôi cũng được động viên, chia sẻ chân tình, nên dễ lấy lại cân bằng”.
Sau SEA Games 23, dư luận lại đề cập đời sống khó khăn của cầu thủ nữ, sự quan tâm chưa tương xứng như tuyển nam, Kim Chi vẫn điềm đạm kêu gọi cho đồng đội chứ không đòi hỏi gì cho mình: “Tôi được ăn một ngày hai bữa, nên tiền lương gói ghém cũng sống được. Hơn nữa, chắc là tập luyện suốt ngày, nên tôi không có nhiều nhu cầu để tiêu tiền. Nhưng tôi vẫn mong mức lương cao hơn, để chị em có thể dành dụm, lo cho cuộc sống sau này vì không phải ai cũng vào ĐTQG, và không phải đội tuyển lúc nào cũng vô địch mà có tiền thưởng. Phần tôi, tạm yên tâm, vì Trung tâm TDTT quận 1, TP.HCM vừa nhận tôi làm nhân viên thu ngân, lương tháng được 800 - 900 ngàn đồng”.
Đã chia tay nghiệp cầu thủ, trở thành HLV tuyến trẻ của TP.HCM được 1 năm, nhưng khi đội tuyển ngỏ lời, Kim Chi vẫn trở lại. Đó cũng là ứng xử đầy trách nhiệm và chia sẻ, chứ nào phải ham hố vinh quang. Nhìn Kim Chi chơi bóng, tuy không còn sức mạnh và sức rướn tốt như trước nhưng Kim Chi vẫn là nhân vật không thể thiếu nhờ khả năng thi đấu toàn diện, cầm bóng, sút xa, sút phạt cũng giỏi. “Tôi lớn tuổi nhất nên hết sức cố gắng để làm gương cho đàn em. Tôi và Mai Lan (nhỏ hơn Chi một tuổi) hứa với nhau, còn sức là còn cống hiến”, Kim Chi tâm sự.
SEA Games 25 kết thúc, Đoàn Thị Kim Chi vẫn là chân sút số một của đội tuyển với 4 bàn thắng, xếp trên những đàn em trẻ trung hơn như Kim Hồng và Nguyễn Thị Muôn (cùng 3 bàn).
Đoàn Thị Kim Chi Quê: Bến Tre CLB: TP.HCM Vị trí: Tiền vệ, tiền đạo Thành tích: VĐQG 2002, 2004, 2005; HCĐ SEA Games 19; HCV SEA Games 21, 22, 23, 25; HCB SEA Games 24; Quả bóng Vàng Việt Nam 2004, 2005, 2007; Nữ hoàng phá lưới 2006. |