Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước đến chân vẫn… chưa nhảy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được coi là một trong những mắt xích quan trọng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhưng tiến trình cổ phần hóa (CPH) theo đánh giá mới nhất của Bộ Tài chính, vẫn đang gặp nhiều trở ngại do một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt.

Và không như những lần trước đây, trong 6 tháng qua, Bộ Tài chính đã "điểm mặt" cụ thể các DN, địa phương CPH chậm.

Chưa tích cực triển khai

Theo cập nhật mới nhất, 6 tháng đầu năm 2014, có 297 DN thành lập Ban chỉ đạo CPH. Trong đó, 159 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 67 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 38 DN đã được phê duyệt phương án CPH, 31 DN đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ CPH là rất chậm, hiện còn tới 135 DN chưa triển khai CPH (chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH), 138 DN đã thành lập Ban chỉ đạo CPH, nhưng chưa thực sự triển khai CPH (chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo).

Báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ rõ các địa chỉ CPH chậm như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất, các DN thuộc Bộ Y tế; các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Yên Bái, Kon Tum. Ngược lại, nhiều đơn vị thực hiện tốt CPH cũng được điểm danh như: Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Hàng hải, Tổng Công ty Đường sắt; các Bộ GTVT, Xây dựng, Công Thương...

 
Sau cổ phần hóa, Công ty Hóa dầu Petrolimex đã hoạt động hiệu quả hơn. 	 Ảnh: Thanh Thảo
Sau cổ phần hóa, Công ty Hóa dầu Petrolimex đã hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Thảo
Sự chậm trễ trên, theo Bộ Tài chính là do đối tượng CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn...

Ngoài ra, các chính sách phục vụ cho đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, trong đó có CPH vẫn chậm được ban hành. Cụ thể, theo kế hoạch, hết tháng 6, Bộ Nội vụ phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý người giữ các chức danh quản lý tại DN 100% vốn Nhà nước; dự thảo Nghị định về quản lý người giữ các chức danh quản lý tại DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nhưng đến nay vẫn chưa trình. Tương tự, Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa trình chính sách cụ thể đối với lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu DNNN...

Thêm nhiều giải pháp

Theo Bộ Tài chính, từ nay đến hết năm 2015, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn rất nặng nề. Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh CPH và thoái vốn tại DNNN, dự kiến sẽ ban hành ngay trong tháng 7. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phương án đổi mới cách thức triển khai. Theo đó, với những DN có điều kiện sẽ thực hiện IPO, còn những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty CP với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm đa dạng hóa sở hữu, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát DN.

Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch CPH, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xác định rõ kế hoạch CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN trong giai đoạn 2014 - 2015 là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần kiên quyết hoàn thành.