Nước mắm truyền thống được minh oan

Nhóm PV Xã hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thông tin mập mờ của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) về nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, Bộ Y tế đã chính thức công bố, 100% mẫu nước mắm được lấy ngẫu nhiên không chứa asen vô cơ độc hại.

100% mẫu không nhiễm asen vô cơ

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) khẳng định, 100% mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không chứa asen vô cơ, bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chưa phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. “Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng các sản phẩm nước mắm đã được công bố lưu hành trên thị trường, có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng” - ông Phong nhấn mạnh.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra ATTP đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh, TP (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Đoàn kiểm tra đã lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm tại 4 viện kiểm nghiệm hàng đầu của ngành y tế. Đó là Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Viện Dinh Dưỡng, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả kiểm nghiệm asen cho thấy, 100% các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, kiểm nghiệm các kim loại nặng khác như chì, thủy ngân và cadimi đều đạt theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.
 Lựa chọn mua nước mắm truyền thống tại siêu thị BigC.  Ảnh: Công Hùng
Cũng theo Cục ATTP, các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không được vượt ngưỡng theo quy định, đảm bảo độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm. Quy định này của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN.

“Như vậy, các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống và công nghiệp” - ông Phong nhấn mạnh.

Công bố thông tin mập mờ ảnh hưởng xấu tới sản xuất, tiêu thụ

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vì sao Bộ Y tế không quy định asen hữu cơ trong nước mắm, ông Phong cho biết, với asen hữu cơ có thể tồn tại tự nhiên trong thủy sản, không phải chất gây độc như asen vô cơ nên không cần quy định về hàm lượng này.

Ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục ATTP cũng khẳng định, asen hữu cơ không gây hại vì nằm trong con cá, còn asen vô cơ không có trong nước mắm, nếu nước mắm không có asen thì không phải làm từ cá. Ông Đáng phân tích, nếu hàm lượng asen cao nhất là 5mg trong nước mắm thì cũng không gây hại, vì mỗi người có thể ăn vào từ 0,01mg-0,05mg asen/ngày. Trong Tổ chức Y tế thế giới quy định lượng chấp nhận được là 15mg asen vô cơ/kg thể trọng/tuần. Trong khi đó, nước mắm truyền thống không chứa asen vô cơ mà chỉ có asen hữu cơ, hoàn toàn không gây hại.

Trước đó, kết quả khảo sát mặt hàng nước mắm do Vinastas công bố ngày 17/10 đưa ra nhiều thông số khiến nhiều người giật mình với 125/150 mẫu được khảo sát không đạt ít nhất một trong 5 chỉ tiêu về hóa học, trong đó có trên 50% mẫu không đạt về hàm lượng nitơ tổng, 67% chứa asen vượt ngưỡng, chủ yếu thuộc về các nhãn hàng nước mắm truyền thống.

Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, nhiều người tiêu dùng đã tẩy chay nước mắm vì không biết lựa chọn sản phẩm nào an toàn. Trên các diễn đàn cũng đã có những group được lập ra để tẩy chay nước mắm truyền thống. Thậm chí, tại Hà Nội đã có siêu thị gỡ bỏ các nhãn hiệu nước mắm truyền thống, thay vào đó là bày bán các sản phẩm nước chấm công nghiệp.

Trước những động thái này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã lên tiếng phản bác lại thông tin của Vinastas và cho rằng, việc công bố thông tin mập mờ của Vinastas đã ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nước mắm. Các chuyên gia cũng khẳng định, nước mắm chứa asen hữu cơ không độc và vẫn tồn tại như một chất tự nhiên trong các loài hải sản.

Xét đề nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và một số hiệp hội, hội về việc xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới Nhân dân về loại và hàm lượng asen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang trong dư luận. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinastas, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Đối với Bộ TT&TT kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí đối với trường hợp nêu trên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan báo cáo kết quả xử lý trước ngày 10/11/2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần