Nước mắt người vợ nơi khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Nói trong nước mắt, người vợ của chiến sỹ Gạc Ma kể, cách đây 30 năm, chồng bà tình nguyện ra đảo, rồi hy sinh khi con gái mới 3 tháng tuổi.

Ngày 15/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Hơn 300 thân nhân của các anh hùng liệt sỹ hy sinh bảo vệ bãi đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin về dự lễ, ai cũng ngập tràn cảm xúc.
Những người mẹ, người vợ, người con không cầm được nước mắt khi về với Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma.
Bà Đỗ Thị Hà (vợ liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh, nhà ở phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh) cho biết, mấy năm qua từ khi công trình khởi công, bà luôn coi đây là nơi an nghỉ của chồng mình. Tấm ảnh cưới cũ, sờn, kỷ vật vô giá của gia đình đã được bà tặng khu tưởng niệm.
Bà kể, cách đây 30 năm, sau ngày cưới, chồng bà tình nguyện ra đảo, rồi hy sinh khi con gái mới 3 tháng tuổi. Giờ con bà đã vào đại học.
 Người mẹ chiến sỹ Gạc Ma tìm tên con trong khu tưởng niệm.
Chồng hy sinh, hàng ngày bà phải đi phụ hồ, kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Sáng nay có mặt tại khu tưởng niệm, bà Hà bật khóc: “Xây đài tưởng niệm nơi đây để cho các gia đình thân nhân đến thắp một nén hương, cũng thấy an ủi được phần nào. Mình tới đây thắp hương cho chồng mình, thấy rất ấm áp, giờ tôi có chỗ thắp hương cho chồng mình rồi. Tôi coi nơi đây là nơi an nghỉ của chồng mình”.
Trong số những người mẹ, người chị của các anh hùng liệt sỹ, nhiều người thổn thức nỗi nhớ người thân.
Mẹ Võ Thị Á (75 tuổi, mẹ liệt sỹ Phạm Hữu Tý, quê xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho hay, liệt sỹ Tý là con trai út trong gia đình 5 anh em.
Năm 18 tuổi, liệt sỹ Tý tình nguyện đi bộ đội vào Hải quân. Dịp Tết năm 1988, khi vào quân cảng Cam Ranh nhận tàu, Phạm Hữu Tý đã gửi thư về nhà với lời hẹn: “Đây là đợt cuối, sau đó sẽ ra quân trở về với gia đình”.
Thế rồi, sự kiện ngày 14/3/1988 xảy ra, anh mãi mãi nằm lại giữa biển khơi. Có mặt tại khu tưởng niệm sáng nay, mẹ Võ Thị Á run run sờ lên di ảnh của con trai mình.
“Không ngờ, nó báo tin cho mẹ là giờ con đang còn nhận tàu. Bố mẹ ở nhà an tâm, con đi đảo lần này nữa thì con ra quân về với mẹ. Mẹ đến đây với con một lần cuối cùng. Nếu sau này còn sức khỏe, hằng năm, Nhà nước cho mẹ đi thì mẹ cũng cố gắng vô với con. Mẹ mơ có thể ra ngoài đảo, có thể nhận được cốt của con về nữa”.
Tối qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ.
Các mẹ được chứng kiến phút giây thiêng liêng khi rước anh linh các chiến sỹ trở về đất liền.
Bao nhiêu năm qua, nhiều gia đình đã lập bàn thờ trang nghiêm nhưng trong lòng vẫn có cảm giác chông chênh, thiếu vắng.
Bây giờ, khu tưởng niệm rước các anh về, có khu mộ gió gia đình cũng yên lòng. Đại tá Nguyễn Văn Dân – cựu Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người trực tiếp chỉ huy cụm 2 Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa vào năm 1988 trăn trở: “Tôi là người cho anh em lặn xuống tàu số hiệu 605 chìm ở độ sâu 39m để tìm chiến sỹ hy sinh dưới đó nhưng không tìm thấy. Quay lại tìm tàu số hiệu 604, nhưng không xác định tàu chìm ở chỗ nào”.
Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma giai đoạn 1 hoàn thành trở thành nơi tưởng nhớ những chiến sỹ Gạc Ma đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần