Nếu không có gì thay đổi, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh nằm trên Quốc lộ 2C thuộc tuyến vành đai V, TP. Hà Nội sẽ là công trình hạ tầng lớn cuối cùng được khởi công trong năm 2011, khép lại một năm “đại thắng” trong lĩnh vực ODA giao thông. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư 137 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ vốn, sẽ khởi công ngày 26/12. Theo kế hoạch, công trình dài 5,4 km, trong đó phần cầu chính Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng dài 4,4 km, gồm 4 làn xe sẽ được hoàn thành sau 36 tháng thi công.
Tuy nhiên, sự kiện giao thông nổi bật nhất trong tháng 12 này lại thuộc về Lễ khởi công Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài diễn ra hôm 4/12. Ngoài ý nghĩa là cảng hàng không có quy mô lớn nhất từng được xây dựng tại Việt Nam, Dự án này còn là công trình có bước nước rút trong công tác chuẩn bị hết sức ngoạn mục. Do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc thậm chí từng phải xin lùi thời hạn khởi công đến cuối quý I/2012. Cần phải nói thêm rằng, Dự án T2 Nội Bài không phải là điểm sáng duy nhất trong bức tranh tổng thể về triển khai các dự án ODA giao thông. Trước đó, cuối tháng 11/2011, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) áp dụng cơ chế thưởng vượt tiến độ cho cả 3 gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng đường vành đai giai đoạn II, đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm. Đây là dự án ODA đầu tiên được Bộ Giao thông - Vận tải áp dụng cơ chế thưởng do đã rút ngắn từ 1/5 tới 1/3 tiến độ thi công Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư Dự án, gói thầu số 1 do Shamwhan (Hàn Quốc) - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) thi công có khả năng rút ngắn tiến độ khoảng 10 tháng; gói thầu số 2 do Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công có khả năng rút ngắn tiến độ khoảng 15 tháng; gói thầu số 3 do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Cienco4 - Cienco8 thi công có khả năng rút ngắn tiến độ 5 tháng. Dự kiến, nhà thầu sẽ được thưởng 10% giá trị làm lợi từ việc rút ngắn tiến độ này. “Tiến độ triển khai các dự án ODA do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý đang có những bước tiến hết sức tích cực”, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá. Việc nhiều dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA đang xuất hiện những bước nước rút tiến độ đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho các bên tham gia. Thống kê mới nhất của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, tính đến ngày 31/11, tại 68 dự án sử dụng vốn ODA do Bộ quản lý, đã thực hiện 8.253 tỷ đồng, đạt 236% kế hoạch, tăng 10,1% so với cùng kỳ; giải ngân 8.205 tỷ đồng, đạt 234,4% kế hoạch, tăng 44,8% so với cùng kỳ. Số lượng các dự án có tốc độ giải ngân tốt cũng tăng mạnh so với năm 2010 (22/11 dự án). Tiêu biểu là Dự án Xây dựng Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Dự án cầu Thanh Trì (gói 6, cầu Phù Đổng 2); Dự án cầu Quốc lộ 1 giai đoạn III… “Đây là thành tích giải ngân tốt nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực thực hiện, giải ngân vốn ODA do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý”, ông Việt cho biết thêm. Đối với các nhà thầu giao thông, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bị tiết giảm, các dự án ODA, với ưu thế sẵn vốn, cơ chế giải ngân thông thoáng, thực sự là một cứu cánh. “Đẩy nhanh tiến độ là giải pháp duy nhất với các nhà thầu để tối đa hoá lợi nhuận, nếu không cũng để giảm thiểu thua lỗ trước nguy cơ giá cả đầu vào đang tăng mạnh”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco4 khẳng định.