Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước thải là thách thức lớn với đô thị Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo "Triển vọng Phát triển châu Á 2013", do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện và công bố sáng 9/4 tại Hà Nội.

Báo cáo nêu rõ, chỉ khoảng 10% nước thải đô thị của Việt Nam được xử lý bằng các phương pháp thích hợp. Các hộ gia đình ở thành thị hầu hết sử dụng những bể tự hoại ít được duy tu hoặc các hệ thống xử lý tại chỗ tương tự, chỉ có thể xử lý nước thải một phần và có thể gây ô nhiễm cho nguồn nước ngọt.

Cần hàng chục tỷ USD đầu tư xử lý nước thải

Một nghiên cứu về tài nguyên nước phục vụ báo cáo cho thấy, sự an toàn của nguồn cung cấp nước ở một số lưu vực sông, hồ đang bị đe dọa bởi việc xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý hoặc chỉ được xử lý một phần, bao gồm cả nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Tình trạng này là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm các lưu vực sông, đặc biệt nghiêm trọng như Nhuệ, Đáy, Đồng Nai…

Dân số đô thị phát triển nhanh chóng đồng nghĩa với việc Chính phủ cần phải đầu tư một số tiền lớn vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa sự ô nhiễm đối với nguồn nước ngọt.
 
 
Nước thải là thách thức lớn với đô thị Việt Nam - Ảnh 1
 
Trạm xử lý nước thải Nam Sơn.  Ảnh: Thanh Hải
 

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu 70% dân số đô thị, tương đương khoảng 35 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có khoảng 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Theo tính toán của ADB, các chi phí bình quân đầu người cho việc kết nối với một hệ thống xử lý nước thải mới, đầy đủ là 200 - 600 USD. Điều đó cho thấy, Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải đầu tư thêm khoảng 6,4 - 20 tỷ USD trong 12 năm tới để đạt được mục tiêu đề ra.

Thu hút nguồn lực từ tư nhân

Trách nhiệm cung cấp hạ tầng đô thị thuộc về chính quyền địa phương, nhưng hầu hết các chính quyền địa phương lại không có khả năng tài chính và kỹ thuật để quản lý được quy mô, mức độ phức tạp cũng như chi phí của các chương trình môi trường đô thị.

 Nhiều công ty xử lý nước thải không được chuẩn bị, trang bị đầy đủ để hoạt động trên nguyên tắc thương mại và thu hút vốn, cũng như chuyên môn kỹ thuật từ khu vực tư nhân. Họ cũng không tiếp cận được với thị trường vốn.

 Mặc dù các hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tại các đô thị Việt Nam đã được xây dựng ngày càng nhiều, song một báo cáo đánh giá kết quả thực hiện gần đây cho thấy, cần phải sửa đổi luật và các quy định điều chỉnh các dự án này, để đảm bảo nguồn lực tài chính có hạn được dành cho những lĩnh vực cần ưu tiên cao hơn.

Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực môi trường đã đi sai địa chỉ, đổ vào các phương án hoặc các hệ thống xử lý nước thải tốn kém không cần thiết và tiêu tốn năng lượng rất nhiều.

Việc triển khai cục bộ hệ thống thoát nước mới đôi khi dẫn đến tình trạng hạn chế diện bao phủ và thất bại trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng cũng như cải thiện môi trường.

Nhóm nghiên cứu báo cáo cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách nhằm thu hút nguồn kinh phí bổ sung từ nhóm các nhà đầu tư tư nhân cho lĩnh vực xử lý nước thải.

Để làm được điều này đòi hỏi cần quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản, phải có thông tin đáng tin cậy về cơ sở hạ tầng hiện có, phân công trách nhiệm rõ ràng về vận hành và bảo trì, quy trình và thủ tục phù hợp với chuẩn mực quốc tế, kịp thời thực hiện lộ trình tăng phí nước và nước thải để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như lợi ích cho nhà đầu tư.