Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nút thắt… trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực địa và trao đổi với cư dân sống tại chung cư C8 Giảng Võ - nhà chung cư đã được cơ quan chức năng xác định là nhà nguy hiểm cấp D, cấp cao nhất. Sau buổi thị sát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành TP về thực trạng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.  Được "trát trít" là… yên tâm rồi!? Biết Bộ trưởng đến thị sát, người dân của nhà C8 đã tập trung khá đông để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngay tại ô cầu thang được sửa chữa, chống đỡ bằng những cột thép lớn, nhiều người dân bày tỏ ý muốn được tiếp tục ở lại nhà C8. Anh Nguyễn Văn Thu, người đã sống trong căn hộ 318  hơn 30 năm, cho biết: "Nhà C8 đã được trát trít rồi, người dân chúng tôi rất an tâm. Dân ở đây người ta biết, dân ở trên "cây" thì phải lo chứ!". Trao đổi với người dân nhà C8, Bộ trưởng nói: "Cần phải hiểu rõ an toàn là số 1, bà con nghĩ cải tạo thế là được rồi nhưng nếu không may xảy ra động đất thì sao, cần phải lường trước những sự cố có thể xảy ra".

Kinhtedothi - Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực địa và trao đổi với cư dân sống tại chung cư C8 Giảng Võ - nhà chung cư đã được cơ quan chức năng xác định là nhà nguy hiểm cấp D, cấp cao nhất. Sau buổi thị sát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành TP về thực trạng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. 

Được "trát trít" là… yên tâm rồi!?

Biết Bộ trưởng đến thị sát, người dân của nhà C8 đã tập trung khá đông để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngay tại ô cầu thang được sửa chữa, chống đỡ bằng những cột thép lớn, nhiều người dân bày tỏ ý muốn được tiếp tục ở lại nhà C8. Anh Nguyễn Văn Thu, người đã sống trong căn hộ 318  hơn 30 năm, cho biết: "Nhà C8 đã được trát trít rồi, người dân chúng tôi rất an tâm. Dân ở đây người ta biết, dân ở trên "cây" thì phải lo chứ!". Trao đổi với người dân nhà C8, Bộ trưởng nói: "Cần phải hiểu rõ an toàn là số 1, bà con nghĩ cải tạo thế là được rồi nhưng nếu không may xảy ra động đất thì sao, cần phải lường trước những sự cố có thể xảy ra".
 Chung cư C8 Giảng Võ đã được xác định là nhà nguy hiểm cấp D.      Ảnh: Thanh Hải
Chung cư C8 Giảng Võ đã được xác định là nhà nguy hiểm cấp D. Ảnh: Thanh Hải
Câu chuyện của nhà  C8  cho thấy đang tồn tại một nghịch lý. Trong lúc chính quyền các cấp hết sức lo lắng về sự an toàn của các hộ dân đang sống trong những chung cư nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão, thì một bộ phận người dân lại tỏ ra khá bình thản và vẫn an tâm "bám trụ". Dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của một số cư dân tòa nhà C8 Giảng Võ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng muốn làm rõ, vì sao tòa nhà đã được xác định là nhà nguy hiểm cấp D, nhưng người dân chưa di dời (?). Bộ trưởng hỏi: "Nếu làm nhà mới, tốt hơn, khang trang hơn, rồi lại được quay về ở thì sao?". Anh Thu trả lời: "Ai nói không muốn ở nhà mới là nói sai. Quan trọng là phải có lộ trình, nếu mờ mịt không biết ngày nào về thì người dân chúng tôi biết đường nào mà lần. Tại sao người dân chưa tin, nhìn C1 Thành Công đấy, di dời 6 - 7 năm rồi mà chưa được quay về."

Ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hứa sẽ cùng với TP Hà Nội tìm lời giải không chỉ cho việc cải tạo lại nhà nguy hiểm C8 Giảng Võ mà còn phải tìm được hướng đi chung cho việc cải tạo chung cư cũ vốn đang rất khó khăn, ách tắc.

Xác định rõ trách nhiệm trong tái thiết

Nói về những khó khăn trong cải tạo chung cư cũ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trong quá trình thực hiện công tác GPMB, một số hộ gia đình cố tình không bàn giao mặt bằng, đưa ra những đòi hỏi không hợp lý (đặc biệt là các hộ gia đình ở tầng 1 có lợi thế kinh doanh và sử dụng diện tích đất lấn chiếm). Mặt khác, trước đây, một số dự án được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo tự cân đối tài chính, người dân được tái định cư với hệ số cao hơn quy định (hệ số K từ 1,7 - 2,2 lần). "Nay các dự án phải tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với định hướng giảm mật độ xây dựng, tầng cao, giảm dân số trong khu vực nội thành nên không thể tiếp tục thực hiện hệ số K cao như trước. Sau khi có quy hoạch chung, hầu hết tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP không có bước tiến nào đáng kể" - ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thị sát nhà C8 Giảng Võ. 	 Ảnh: Thanh Hải
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thị sát nhà C8 Giảng Võ. Ảnh: Thanh Hải
Phân tích về những cái khó trong việc thực hiện tái thiết các chung cư cũ, nguy hiểm, Chủ tịch  UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nhận thức về trách nhiệm đang là rào cản, nút thắt của quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ. Cần thống nhất quan điểm cải tạo, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không thể đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những thay đổi trong xác định tuổi thọ của nhà chung cư cũ; điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn về cấp độ công trình, trong đó, tính đến yêu cầu về chống động đất. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội đề xuất Chính phủ ban hành thêm phương thức để thực hiện cải tạo, tái thiết chung cư cũ. Nên chăng đưa ra phương thức mua hàng cũ, bán hàng mới. Quá trình mua, bán thực hiện theo cơ chế thị trường, có cơ quan kiểm định của Nhà nước tham gia vào việc thẩm định giá.

Trước những vấn đề thực tế hết sức bức bách và khó khăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện chung cư cũ. Trước mắt, phải gia cố ngay những công trình, những bộ phận công trình không an toàn. Cần đánh giá cụ thể, phải kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm để đảm bảo an toàn. Bộ trưởng xác định, hoàn thiện pháp luật là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Để tháo gỡ khó khăn cho cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn... Bộ trưởng cũng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, trong đó, tổ chức ngay việc lập, phê duyệt các quy hoạch của các khu chung cư theo hướng tổng thể, không làm từng nhà một.
 
Nguồn gốc của nhà chung cư cũ là Nhà nước làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Nay, Nhà nước đã bán diện tích ở theo Nghị định 61/CP nhưng toàn bộ hành lang, mái, diện tích sử dụng chung vẫn do Nhà nước quản lý. Như vậy, cả về sở hữu và trách nhiệm đều có phần của Nhà nước, chính quyền và người dân. Do vậy, cần làm rõ trong việc tái thiết chung cư cũ, trách nhiệm của Nhà nước đến đâu, trách nhiệm của người dân đến đâu." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo