Kênh Tham Lương (TP Hồ Chí Minh) là một điển hình về tình trạng ô nhiễm từ nhiều năm nay. Để hồi sinh dòng kênh này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên với tổng kinh phí tới trên 26.950 tỷ đồng. Vậy nhưng, trong khi dự án vẫn đang ì ạch thi công, thì mỗi ngày, hàng trăm công ty, cơ sở sản xuất vẫn trực tiếp xả hàng ngàn mét khối nước thải ô nhiễm xuống dòng kênh…
Bài 1: Dòng kênh... chết!
Hình ảnh dòng kênh Tham Lương trong xanh, len mình giữa các đám dừa nước, nhộn nhịp tàu thuyền qua lại đã lùi xa vào dĩ vãng. Nhiều năm nay, nước kênh bị ô nhiễm đen ngòm, nồng nặc mùi hôi thối do hàng trăm nhà máy, xí nghiệp sản xuất đổ chất thải trực tiếp xuống kênh.
Thủ phạm “bức tử” dòng kênh
Rạch Cây Liêm trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) làm nhiệm vụ dẫn nước thải sinh hoạt của phường Đông Hưng Thuận ra kênh Tham Lương vốn đã quá tải lại phải "gồng mình" chứa thêm hàng trăm mét khối nước ô nhiễm từ các doanh nghiệp trên địa bàn đổ ra. Ngày 22/3, chúng tôi ghi nhận được nước ở con rạch này đổi màu 3 lần, buổi sáng có màu đỏ bầm, tới trưa có màu xanh và buổi chiều nước trở lại màu đen "truyền thống". Anh Vũ Đức Cảnh, ngụ gần rạch Cây Liêm cho biết: Trước đây, khi mới có hiện tượng nước màu đỏ, nhiều người dân hốt hoảng kéo đến để xem. Sau khi biết thủ phạm là do các doanh nghiệp giặt nhuộm thì họ rất bức xúc.
Nước thải từ Khu công nghiệp Tân Bình xả thẳng ra kênh. Ảnh: Trường Bá
|
Ngày 25/3, có mặt tại cơ sở Nguyễn Văn Tản (70/2E2, Khu phố 4, đường Nguyễn Văn Quá) chuyên hoạt động về hồ, tẩy nhuộm vải, chúng tôi đỡ hắt hơi, chảy nước mắt liên tục vì mùi hóa chất, kèm theo khói bụi bốc lên mù mịt từ các lò đốt bằng mùn cưa. Còn nước thải có màu đỏ xả trực tiếp ra cống thoát nước. Ông Nguyễn Trung Kiên (con trai chủ cơ sở) cho biết, cơ sở có tổng mặt bằng 273m2, đã hoạt động liên tục từ năm 2001 đến nay.
Trước câu hỏi: Cơ sở đã cam kết với UBND quận 12 là không dùng chất đốt là vỏ hạt điều và mùn cưa vì gây ô nhiễm, nhưng tại sao vẫn sử dụng mùn cưa để đốt lò? Ông Nguyễn Trung Kiên thản nhiên cho biết: Vì mùn cưa giá rẻ, đốt bằng củi thì giá rất cao.
Qua xác minh, hầu hết các cơ sở về hồ tẩy nhuộm tuy đã có cam kết với cơ quan chức năng quận 12 nhưng vẫn sử dụng chất đốt bằng vỏ hạt điều và mùn cưa. Trước cửa doanh nghiệp nào cũng có những đống củi để "ngụy trang" khi các đoàn kiểm tra tới.
Anh Đoàn Bá Sơn, cư dân ngụ khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, bức xúc: Ở đây chúng tôi không chỉ phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ con kênh này mà còn phải chịu ô nhiễm cả không khí, khói bụi, muội than, mùi hôi và cả tiếng ồn từ các cơ sở dệt nhuộm. Nhiều người dân ở đây đã bị nhiễm các bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da… phải dọn, hoặc thuê nhà nơi khác.
Lần về thượng nguồn kênh Tham Lương, chúng tôi đến khu vực đường số 2, Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, lại chứng kiến dòng nước chảy ra từ hệ thống cống hộp KCN này một màu đen kịt. Kênh Tham Lương đoạn chảy qua KCN Tân Bình cũng "gánh" theo hàng loạt ô nhiễm. Cả một đoạn kênh Tham Lương ở vị trí cuối đường CN1 tại KCN Tân Bình đen đặc rác thải.
Có mặt tại khu vực cầu Bình Tiên trên Quốc lộ 1A, chứng kiến cảnh dòng nước đen ngòm, đặc quánh chảy ra từ các cụm công nghiệp tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn và phường Tân Thới Nhất, quận 12 đổ ra kênh Tham Lương chúng tôi không khỏi giật mình vì cụm công nghiệp này đã đi vào hoạt động từ hàng chục năm mà hiện chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại khu vực hẻm 102 Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình, chúng tôi tận mắt nhìn thấy tình trạng ô nhiễm của kênh Hy Vọng. Toàn bộ mặt kênh được bao phủ bằng một lớp rác thải dày đến nỗi bít chặt cả miệng cống hộp trên đường Phan Huy Ích. Kênh 19 - 5 chảy qua địa bàn phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) và phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), mặc dù được xây kè khá đẹp nhưng không vì thế mà giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm khi toàn bộ hệ thống xả thải của rất nhiều các cơ sở sản xuất với đủ ngành nghề và khu dân cư chưa qua xử lý đều đổ trực tiếp ra kênh.
Chưa di dời được các doanh nghiệp gây ô nhiễm
Ông Phan Trung Nam - Phó Chủ tịch phường Đông Hưng Thuận, quận 12, cho biết: Dọc kênh Tham Lương có rất nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất. Trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận trước đây có khoảng 45 cơ sở nhuộm, giặt, tái chế, chế biến thực phẩm… có khả năng gây ô nhiễm cao, tập trung tại khu phố 4 và 5. Trong 3 năm qua (2011 - 2013), UBND quận 12 và UBND phường Đông Hưng Thuận đã tích cực kiểm tra, xử phạt, yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục tình trạng ô nhiễm cũng như vận động di dời vào các KCN, song hiện nay vẫn còn 25 DN chưa thực hiện. Vừa qua, UBND quận 12 đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh có kế hoạch di dời các cơ sở này trong thời gian tới.
Trong cuộc họp mới đây với UBND TP Hồ Chí Minh về việc di dời các DN gây ô nhiễm môi trường, đại diện UBND quận 12 cho biết: Nhiều DN thuộc ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm cao như dệt, nhuộm trên địa bàn quận 12 đã làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng để bày tỏ những khó khăn trong việc di dời cơ sở sản xuất. Họ đã nhiều lần tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) trên địa bàn TP, thậm chí tới cả các tỉnh lân cận nhưng đa số bị từ chối tiếp nhận với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, mặt bằng sản xuất chỉ cần vài trăm mét vuông thì các KCX - KCN không tiếp nhận, do không có diện tích đất nhỏ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có DN không thể di dời vì không đủ vốn. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cương quyết: Không thể vì kể khó mà cho phép họ sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Năm 2003, TP đã có chính sách hỗ trợ nhưng tại thời điểm hiện nay, không thể tiếp tục dùng tiền ngân sách để hỗ trợ DN sản xuất gây ô nhiễm. Bản thân DN nếu sản xuất gây ô nhiễm thì sẽ kiên quyết xử lý theo Luật Bảo vệ môi trường, còn nếu muốn di dời thì DN sẽ phải tự cân đối nguồn vốn, thậm chí có thể chuyển nhượng vị trí đất nơi họ đang sản xuất để lấy vốn di dời.
Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các KCN là đúng. Tuy nhiên, cách thực hiện chưa đồng bộ, chưa hữu hiệu khiến các DN "đi không được, ở cũng không xong" thì thực trạng ô nhiễm môi trường khó được giải quyết.
Bài 2: Chờ ngày... hồi sinh!