Ô nhiễm làng nghề Hà Nội: Cần một giải pháp căn cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động.

Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, chiếm 58,8% số làng toàn thành phố, giải quyết việc làm cho gần 740 ngàn lao động, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ... Tuy nhiên, tình trạng làng nghề phát triển nóng trong những năm gần đây đã kéo theo ô nhiễm môi trường gia tăng, khiến không chỉ bản thân người dân làng nghề mà cả cộng đồng phải gánh chịu.
Các làng nghề là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
Các làng nghề là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
Báo động ô nhiễm làng nghề

Theo kết quả khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tại làng nghề bún Phú Đô, cứ trong 10.200 tấn sản phẩm mỗi năm đã thải các chất ô nhiễm 76,9 tấn COD; 53,14 tấn BOD5; 9,38 tấn SS gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Những con số khiến ai nghe qua cũng không khỏi giật mình. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội, thì mẫu nước thải tại hệ thống cống chung cuối làng Phú Đô có chứa hàm lượng BOD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3-4 lần, cặn lơ lửng, chất hữu cơ, nitơ, phốt pho trong nước thải rất cao gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

Việc hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động đã ảnh hưởng đến sức khỏe như các bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da, mắt chiếm hơn 30%, bệnh hô hấp 20% và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi họng, thần kinh...

Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do ý thức người dân. Nhiều người biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn vi phạm, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước lại chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý, nếu không nói là thiếu trách nhiệm đối với công tác này. Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn... Bên cạnh đó, thiết bị, công nghệ sản xuất ở các làng nghề vẫn lạc hậu, mặt bằng thì chật hẹp...

Để giải quyết vấn đề này, Sở Công thương Hà Nội đưa ra trong kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nộị với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020-2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, Thành phố cũng khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khơi dậy phong trào và vận động người dân tham gia xây dựng các công trình nhà vệ sinh.

Đối với khu vực nông thôn, nông dân cần đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường; còn các hộ gia đình cần kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nhà vệ sinh và hầm khí Biogas. Cùng với đó là khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng rác thải xả tràn lan ra môi trường công cộng, thiếu sự kiểm soát và không ai chịu trách nhiệm. Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía Bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả rác ở vùng II (khu vực phía Nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ thải rác ở vùng III (khu vực phía Tây) và khu vực ngoài thị xã Sơn Tây.

Đã có một lộ trình cụ thể để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng làng nghề là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm.
Theo điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc bởi SS, BOD5, COD, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, ecli, coliform... Môi trường đất đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng như đồng, kẽm tại tất cả các vị trí quan trắc...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần