Sự phát triển ồ ạt và thiếu kiểm soát của chính quyền địa phương đã khiến khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đua nhau… làm rác
Người dân thôn Xà Cầu vốn có nghề cổ truyền làm tăm nhang, bên cạnh đó còn ruộng đồng nhưng dần dần nghề truyền thống dần thui chột, ruộng đồng bị bỏ hoang. Khi có một số nhà chuyển sang "làm rác" và giàu lên, người dân Xà Cầu đã đua nhau lao vào nghề này. Hàng ngày, họ dùng xe ba gác, xe kéo, xe tải… vào TP và các vùng lân cận thu mua bình, chai nhựa, quần áo cũ rách, túi ni - lông... đem về sơ chế rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất kiếm lời.
Một người dân thôn Xà Cầu cho chúng biết, cả thôn chia làm ba nhóm kinh doanh. Nhóm ít vốn chỉ thu mua, phân loại rồi bán. Nhóm có máy băm sau khi phân loại sẽ cho vỏ nhựa vào máy băm nát thành các mảnh nhỏ rồi bán được giá cao hơn. Nhóm đầu tư mạnh nhất, ngoài máy băm còn mua cả máy "kéo hạt" để sau khi băm thì cho vào nấu rồi đúc thành các khối phôi nhựa thành phẩm. Thế nhưng, nhựa có phần tái chế được, cũng có phần phải bỏ đi. Hầu hết các mảnh vụn cứng, không băm nhỏ được theo tiêu chuẩn lại một lần nữa bị đổ đi. Ngoài vỏ nhựa, người ta còn sơ chế cả vải, túi ni - lông, hộp xốp… theo hình thức băm như thế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình sơ chế rác tại Xà Cầu cho ra bốn loại chất thải cực kỳ độc hại. Một là, nước rửa nguyên liệu, cứ thế chảy thẳng ra sông ngòi, kênh mương thủy lợi hoặc ngấm xuống lòng đất, gây nhiễm bẩn nguồn nước ngầm. Hai là, các mảnh vụn "không đạt chuẩn", vải vóc thì phân hủy bốc mùi hôi thối, nhựa và túi ni - lông đổ xuống ruộng đồng, kênh mương là loại rác phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được. Ba là, cặn bã từ các chai, bình, túi… đều có nguồn gốc hóa chất khiến đất đai và nguồn nước nhiễm độc nặng nề. Bốn là, việc đun nấu nhựa thải ra môi trường một lượng khói ô nhiễm rất lớn.
Xã kêu khó
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề xử lý môi trường, ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu cho biết UBND xã đặc biệt quan tâm xử lý. Đã nhiều lần, xã báo cáo lên lãnh đạo huyện đề nghị giải quyết, nhưng đến nay, vẫn chưa được xử lý. Hiện, UBND xã đã xây dựng bãi tập kết, trung chuyển rác riêng, giao cho thôn tự quản, song chưa phát huy được hiệu quả.
Cũng theo ông Lê Văn Dịu, UBND xã chưa xác nhận cho bất cứ đơn vị, cá nhân nào kinh doanh phế liệu. Bởi thế chưa có ai phải đóng thuế hay bất cứ khoản phí nào liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Điều này khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi, tại sao một ngành nghề kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, tồn tại từ nhiều năm nay nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp để xử lý. Lý giải về việc này, ông Dịu cho rằng, hiện xã chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường nên việc xử lý vi phạm rất khó.
Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu đưa ra "sáng kiến", cần quy hoạch tất cả các hộ kinh doanh, tái chế rác vào một khu để quản lý và hạn chế sự phát tán các chất độc hại ra môi trường. Để làm được như vậy cần có kinh phí để xây dựng lò đốt rác tại chỗ, nguồn kinh phí này phải được huy động cả từ trong dân. Mà muốn làm được như vậy, nhất thiết phải đưa các hộ kinh doanh, tái chế rác vào diện quản lý. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, người dân thôn Xà Cầu cho rằng, đây là ý tưởng đã hình thành từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có lối ra.
Thực tế, việc thu mua, tái chế rác thành nguyên liệu sản xuất là sinh kế của cả một vùng quê với hàng ngàn người dân nên rất khó để họ từ bỏ. Vì vậy, đã đến lúc các cấp ngành của huyện Ứng Hòa và TP Hà Nội có giải pháp đưa thôn Xà Cầu vào một quy trình sản xuất, phát triển ổn định, bền vững đi kèm với những biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường sống, đồng ruộng và nguồn nước.
Phế liệu được thu mua gây ô nhiễm môi trường tại xã Quảng Phú Cầu.
|