Có 23 vận động viên (VĐV) đã giành tấm vé chính thức đến Brazil, mang đến hy vọng hội nhập một cách thực sự cho TTVN. Cột mốc lịch sử Olympic 2016 diễn ra từ ngày 5 - 21/8 tại Brazil. Đoàn TTVN với 50 thành viên, trong đó có 23 VĐV tham gia 22 nội dung ở 10 môn. Trong đó, bắn súng và cử tạ là những môn thể thao có số lượng VĐV đông đảo nhất - 4 người. Đây là một cột mốc lịch sử, bởi lần đầu tiên chúng ta có được một đội ngũ đông đảo đến vậy. Việc giành vé đến Olympic trước đây là thách thức lớn với TTVN. Đơn giản bởi không giống như SEA Games, thậm chí cả ASIAD vốn có nhiều môn thể thao mang nặng tính biểu diễn và thể hiện sự động viên với phong trào, Olympic là sân chơi của các môn thể thao cơ bản. Để giành vé đến Thế vận hội, các VĐV phải đạt chuẩn nhất định và với TTVN, đó là giới hạn không dễ vượt qua.
Nhưng lần này thì khác, TTVN giành được tới 23 tấm vé chính thức và tất cả đều là những môn thể thao Olympic. Tại Thế vận hội 2016, đoàn TTVN đặt mục tiêu giành huy chương - điều mà từ năm 2008 chưa thể chạm đích. Khoảng cách quá lớn về trình độ giữa TTVN và mặt bằng thế giới khiến các VĐV không có cơ hội đứng lên bục nhận huy chương. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, có được 23 tấm vé đến với Brazil vào mùa Hè này cũng là thành công đáng khích lệ của TTVN. Nó cho thấy chiến lược tạo nguồn đúng đắn của TTVN khi những VĐV trong dự án mục tiêu đều có vé đến Olympic 2016. Đâu là niềm hy vọng? Trong quá khứ, TTVN từng giành được 2 tấm HCB tại Thế vận hội. Đó là tấm HCB môn Taekwondo tại Olympic London năm 2000 của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân, HCB môn cử tạ tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. Từ đó đến nay, đấu trường Olympic trở nên quá sức với các VĐV Việt Nam dù nhiều thời điểm chúng ta có những cá nhân xuất sắc. Tại Thế vận hội 2016, các nhà tài trợ đã treo những khoản thưởng lớn cho VĐV Việt Nam nếu giành huy chương Olympic. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn vẫn thẳng thắn cho rằng, ngay cả khi chế độ đãi ngộ cực cao thì cũng có rất ít VĐV có thể giành được huy chương. Cơ hội giành huy chương chỉ đến với một số ít VĐV và những người còn lại tham dự đấu trường lớn với ý nghĩa khẳng định dấu ấn của TTVN, đồng thời tìm cơ hội học hỏi để trưởng thành. Trong số những VĐV nhận được kỳ vọng giành huy chương phải kể đến Nguyễn Thị Ánh Viên - cô gái vàng của bơi lội Việt Nam. Ngành thể thao đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho chuyến tập huấn dài ngày của Ánh Viên với hy vọng nữ kình ngư 20 tuổi này sẽ giành được huy chương Olympic. Tuy nhiên, để giành được dù chỉ là tấm HCĐ thì Ánh Viên cũng sẽ phải nỗ lực rất lớn để cải thiện chỉ số về chuyên môn. Bên cạnh đó, cơ hội giành huy chương của TTVN có thể đến từ môn bắn súng và cử tạ với những VĐV xuất sắc như Quốc Cường, Xuân Vinh (bắn súng), Kim Tuấn, Quốc Toàn, Tấn Tài (cử tạ)... Các VĐV này đã được đầu tư rất lớn với những chuyến tập huấn ở nước ngoài và quan trọng hơn, họ có chỉ số về thành tích gần tiệm cận với mức có thể giành huy chương ở Olympic. Ngoài ra, có thể đặt niềm tin vào Hà Thanh, Phước Hưng của môn thể dục dụng cụ - những người đã giành HCV thế giới trong thời gian gần đây.
Đại diện Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ xuất quân tham dự Olympic Brazil 2016. |