Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Ôm" trái phiếu Chính phủ, ngân hàng lãi lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 2 năm qua, nhiều ngân hàng đã đổ mạnh tiền vào “ôm” trái phiếu Chính phủ (TPCP) giữa lúc vốn ế thừa, cho vay khó khăn, lãi suất liên tục giảm… Và, khoản đầu tư vào TPCP đã không phụ lòng ngân hàng khi đã và đang đem về lợi nhuận nghìn tỷ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2014, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành thành công lượng TTCP trị giá gần 240.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2013. Kỳ hạn TPCP cũng kéo dài hơn, bình quân là 4,85 năm và có tới 47% trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài trên 5 năm. Lãi suất trái phiếu bình quân là 6,62%/năm.

Hút vốn dễ như bán trái phiếu

Trong số này, 2 sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều đấu thầu TPCP với khối lượng lớn. Gần nhất là phiên đấu thầu ngày 29/12/2014, Sở GDCK Hà Nội đã giúp KBNN bán được 7.000 tỷ đồng TPCP các loại, có kỳ hạn 3 năm (4.000 tỷ đồng), 5 năm (2.000 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng), lãi suất trúng thầu từ 5,19 - 6,4%/năm. Trước đó vài ngày, một phiên đấu thầu TPCP cũng huy động được 5.000 tỷ đồng tại HNX.

 
Quý II/2014, lãi ròng hợp nhất của Vietinbank giảm so với cùng kỳ 2013. Ảnh minh họa
Quý II/2014, lãi ròng hợp nhất của Vietinbank giảm so với cùng kỳ 2013. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, trong vòng 3 năm qua (2012 - 2014), giá trị TPCP giao dịch bình quân mỗi phiên đã tăng mạnh, từ mức dưới 1.000 tỷ đồng lên trên ngưỡng 2.500 tỷ đồng/phiên.

Theo HNX, các nhà đầu tư (NĐT) mua TPCP chủ yếu là NHTM, các công ty chứng khoán. Gần đây, các tổ chức bảo hiểm, công ty tài chính, công ty quản lý quỹ, NĐT nước ngoài… cũng tích cực tham gia đầu tư TPCP. Tỷ trọng NĐT nước ngoài đã ổn định trở lại, chiếm khoảng 23% giá trị giao dịch.

Lượng vốn rất lớn được huy động qua kênh TPCP là nguồn vốn dài hạn quan trọng giúp Chính phủ trang trải nợ vay trong ngắn hạn. Bởi trong năm 2014 - 2015, lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn, cùng với áp lực phát hành thêm trái phiếu để bù đắp bội chi ngân sách.

Đơn cử: năm 2014 đã phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP. Năm 2015, bội chi ngân sách ở mức 5% GDP, khoảng 220.000 tỷ đồng, thì lượng TPCP cần phát hành thêm cũng sẽ rất lớn.

Theo một số chuyên gia tài chính, năm 2014 là năm “được mùa” của TPCP và cũng là “cứu tinh” cho các TCTD, nhất là NHTM giải phóng nguồn vốn ế thừa.

Tuy vậy, sang năm 2015, Chính phủ sẽ hạn chế huy động trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 3 năm, mà đẩy mạnh phát hành các kỳ hạn dài 5 - 10 năm, nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo khả năng cơ cấu nguồn tiền trả nợ… 

Ngân hàng lãi lớn

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một lãnh đạo của HNX, cho biết các ngân hàng chính là NĐT mua TPCP mạnh tay nhất. Ước tính, khoảng 80% lượng TPCP do các NHTM nắm giữ.

“Lãi suất huy động vốn của ngân hàng thời gian qua liên tục giảm thì người mua TPCP (ở đây chính là ngân hàng - PV) được lợi vì trái phiếu trả lãi hàng năm. Chẳng hạn, kỳ hạn trái phiếu 5 năm, thì hạch toán lợi nhuận tại 1 thời điểm, ngân hàng đều có lãi. Tỷ lệ lãi trong năm 2014 khoảng 24%”, vị lãnh đạo này nhẩm tính và ước tính, nhiều ngân hàng đã thu lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ đầu tư vào TPCP.

Có thể hình dung mức lợi nhuận như sau: đầu năm 2014, ngân hàng mua 1.000 tỷ đồng TPCP với lãi suất khoảng 8%/năm. Đến cuối năm, lãi suất huy động vốn ngắn hạn giảm còn khoảng 5%/năm, tức lãi chênh lệch là 3%, tương ứng lãi 30 tỷ đồng.

Hay nói cách khác, lãi suất thị trường càng giảm thì giá mua TPCP càng cao. Điều này giúp ngân hàng giảm bớt tổn thất, bù đắp chi phí vốn và còn được lãi lớn. Mà mức độ rủi ro của TPCP được cho là thấp hơn rủi ro đầu tư vào TPDN, cho vay, gửi liên ngân hàng…

Từ giữa năm 2013 đến cuối 2014, một lượng vốn khổng lồ từ khối NHTM đã chảy mạnh vào thị trường TPCP, thay vì đẩy vốn ra phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý nhất là Sacombank, đến cuối năm 2013, lượng TPCP (sẵn sàng bán) lên tới 15.826 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Kỳ hạn trái phiếu từ 2 - 5 năm, lãi suất từ 6,7 - 13,2%/năm và trả lãi hàng năm. Lãi suất TPCP mà Sacombank đầu tư cao hơn nhiều lãi suất huy động vốn đầu vào.

Tương tự, Eximbank cũng tăng mua TPCP tới 52%, đạt giá trị 1.953 tỷ đồng TPCP vào cuối năm 2013. Eximbank chỉ đầu tư kỳ hạn ngắn là 2 - 3 năm, nhưng lãi suất từ 7,3 - 11,59%/năm.

Mức chênh lệch lãi suất TPCP so với lãi suất tiền gửi trong năm 2014 là khá lớn, từ 2 - 8%. Nếu tiếp tục nắm giữ số TPCP này thì Sacombank và Eximbank có thể “ung dung” thu về vài chục đến vài nghìn tỷ đồng tiền lãi.

Có ý kiến cho rằng Thông tư 36 của NHNN (có hiệu lực từ 1/2/2015) sẽ hạn chế việc ngân hàng đầu tư vào trái phiếu nói chung và TPCP nói riêng. Bởi, giới hạn tỷ lệ tối đa mà các TCTD được mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn đối ứng là 15% đối với NHTM nhà nước, 35% với NHTM cổ phần và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5% với các TCTD phi ngân hàng…

Khi ấy, các ngân hàng liệu có bán bớt khoản đầu tư trái phiếu vượt giới hạn, hay sẽ tăng huy động vốn để được mua trái phiếu nhiều hơn? Nếu lãi suất huy động vốn tiếp tục giảm sâu thì các ngân hàng sẽ thu lợi lớn từ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra.