Tuy nhiên, thầy Đỗ Văn Thanh - giáo viên bộ môn Vật lý, trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, HS đừng quá lo lắng, để đạt điểm 6 - 7 chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa; còn để đạt điểm khá, giỏi cần chăm chỉ ôn luyện, đào sâu kiến thức...
“Đề thi sẽ ra theo nội dung chương trình sách giáo khoa cơ bản, chủ yếu trong chương trình lớp 12, phần kiến thức lớp 10 và 11 rất ít. Cấu trúc đề thi có sự phân khúc mức độ rất rõ ràng để đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Nội dung xét tốt nghiệp chiếm khoảng 50% trong đề, đây là những câu hỏi ở mức độ trung bình, dàn trải toàn bộ chương trình lớp 12. Nội dung kiến thức chủ yếu là những định nghĩa, khái niệm, phần tính toán là các bài toán áp dụng công thức điển hình: Tính biên độ dao động, chu kỳ, tần số, năng lượng, bước sóng, các giá trị hiệu dụng của điện xoay chiều... Nội dung kiến thức để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ chiếm khoảng 50% số câu hỏi. Cụ thể, sẽ có khoảng 30% số lượng câu hỏi ở mức độ học lực khá (điểm 7, 8), khoảng 20% số câu hỏi trong đề ở trình độ giỏi và xuất sắc (điểm 9, 10). Để đạt điểm 9, 10 đòi hỏi sự đam mê, cần mẫn; điểm 6 - 7 HS phải nắm chắc kiến thức cơ bản chứ không thể dùng "tiểu xảo" như những năm trước đây.
Để học và ôn tập hiệu quả, HS tự học là hình thức ôn thi hiệu quả nhất. Thầy cô giảng dạy có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, chỉ người học mới biết mình yếu, thiếu kiến thức nào. Bởi vậy, các em cần phải chú ý mấy vấn đề sau: Nắm chắc lý thuyết sách giáo khoa. Làm chính xác tuyệt đối các bài tập cơ bản rồi hãy tính chuyện học các bài khó. Phần kiến thức nào còn chưa hiểu rõ phải học lại ngay, có thể mua sách viết theo chuyên đề có lời giải để chủ động tự học lại. Phải tập luyện giải nhiều dạng đề. Giải đề là giai đoạn rất quan trọng trong ôn luyện. Giải đề giúp các em tái hiện, củng cố kiến thức đã học, bổ sung dạng toán mới và đặc biệt nó giúp HS hoàn thiện kỹ năng giải đề, phân bố thời gian làm bài, đúc rút ra nhiều kinh nghiệm. Một nguyên tắc vàng mà các em phải nhớ: làm và làm thật cẩn thận câu dễ trước rồi mới làm câu khó”.