Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ổn định nhưng không cố định

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt hành động điều chỉnh chính sách tiền tệ trong cùng ngày 24/10 như tăng mạnh giá bán USD, điều chỉnh loạt lãi suất điều hành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như vậy, trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng giá bán USD lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng tổng cộng 1.470 đồng, đồng thời có 2 lần tăng lãi suất điều hành, với mức tăng 1 điểm phần trăm.

Việc điều chỉnh của NHNN diễn ra trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô toàn cầu có nhiều tác động, lãi suất thế giới tăng nhanh và xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm và đồng USD tăng giá mạnh cũng gây áp lực lên tỷ giá, cũng như lãi suất.

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao... Trong nước, tỷ giá tăng nóng, các ngân hàng thương mại đẩy giá bán USD lên mức trần theo biên độ 5%, lãi suất huy động đã chạm mức 9,5%/năm.

Bởi vậy, việc tăng lãi suất, tỷ giá của NHNN là tất yếu, không thể tránh khỏi.
Việc tăng lãi suất nhắm đến các mục tiêu: Thứ nhất, lãi suất tăng lên làm giảm cầu tiền, qua đó giảm cung tiền, khắc phục lạm phát. Thứ hai, lãi suất và tỷ giá như hai anh em sinh đôi. Lãi suất tăng lên bao giờ cũng tạo ra một sức mạnh để đồng nội tệ tăng theo.

Trong khi đó, đồng nội tệ ổn định hay tăng giá thì tác động của lạm phát thế giới đi vào trong quốc gia đó sẽ ít đi. Hay nói cách khác, tăng lãi suất để tránh nhập khẩu lạm phát. Với tỷ giá, điều chỉnh tỷ giá hối đoái để cân bằng cung cầu là cần thiết. Tỷ giá tăng mạnh còn nhằm đối phó với tình hình trong nước, đáng chú ý nhất là cơn khát thanh khoản kéo theo nguy cơ lãi suất luôn chực chờ bật cao thêm nữa.

NHNN đã thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa kết hợp nhiều công cụ điều hành và vừa tôn trọng quy luật thị trường để đạt mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định chứ không cố định, NHNN lựa chọn phương pháp điều hành không cố định, còn đích tới chính là sự ổn định.

Không chỉ có VND mà gần như tất cả mọi đồng tiền khác trên thế giới đều chịu áp lực căng thẳng khi lãi suất huy động vốn bằng USD có xu hướng gia tăng mạnh mẽ kể từ đầu năm đến nay.

Trong tương quan với các quốc gia khác, tiền đồng vẫn trong nhóm ít mất giá nhất so với USD. Quan trọng hơn là Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố vĩ mô ổn định như tăng trưởng bền vững, dự báo tăng trưởng GDP năm nay tới 8%; lạm phát dưới 4%; cán cân thanh toán vẫn thặng dư, cả nước vẫn duy trì xuất siêu; thu chi ngân sách vượt kế hoạch; nợ nước ngoài ít… NHNN sẽ phải dự báo, quan sát diễn biến của nền kinh tế thực để quyết định tần suất và mức độ tăng lãi suất, tỷ giá của mình.

Mức độ tăng lãi suất, tỷ giá như hiện nay của NHNN, đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…). Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm tác động tiêu cực, giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu.

Tất nhiên, lãi suất, tỷ giá tăng sẽ tác động tới DN, đặc biệt vào mùa làm ăn cuối năm. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đồng nghĩa với tổng cầu tăng trưởng chậm lại, sẽ góp phần giảm áp lực tỷ giá hay lạm phát. Và nếu tăng trưởng chững lại hay quay đầu nhanh chóng, thì NHNN nhiều khả năng sẽ tính toán các biện pháp linh hoạt để giảm áp lực chi phí cho DN, thúc đẩy tăng trưởng.