10 năm hành nghề vẫn bị sát hạch
Theo dự kiến, chương trình sẽ kéo dài từ 8 giờ 30 sáng đến 12 giờ. Tuy nhiên, giám tuyển và các “ông đồ” dự thi đã làm việc không chỉ thông trưa, mà còn kéo dài đến tận 4 giờ 30 chiều. Mặc dù đã được bày tỏ ý kiến trước buổi “sát hạch”, được công khai bàn luận chữ của mỗi bài thi, nhưng hơn 100 “ông đồ” tham gia buổi kiểm tra thư pháp lần này vẫn đầy bức xúc.
Có hơn 10 năm dựng lều, bày giấy đỏ, viết chữ mỗi độ Xuân về trên phố Văn Miếu, ông Nguyễn Bá Quý – thành viên Hiệp hội Thư pháp Việt Nam không khỏi bất ngờ vì bị nằm trong danh sách những người phải kiểm tra lần này. “Khi nhà tổ chức thông báo các “ông đồ” được quy hoạch vào hồ Văn, không ngồi trên vỉa hè phố Văn Miếu nữa, chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện mọi thủ tục như: Nộp ảnh, đóng lệ phí… để ghi tên tham gia Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015. Tôi cứ đinh ninh thế là được ra viết. Không ngờ cách đây 3 - 4 ngày nhận được thông báo phải thi “sát hạch”. 10 năm nay chúng tôi viết chữ và cho chữ có cần “sát hạch” đâu?”. Nhiều người như ông Nguyễn Trần Đệ - thành viên CLB Thư pháp Huy Nam, còn không ngừng lớn tiếng vì từng là một trong những người khởi dựng phố “ông đồ” từ năm 2007 đến nay, nhưng vẫn bị liệt vào danh sách kiểm tra năng lực: “Tôi ủng hộ kiểm tra, nhưng kiểm tra ai, kiểm tra như thế nào thì phải có phương án. Những người đã từng tham gia viết và cho chữ nhiều năm phải cho vào hoạt động bình thường. Kiểm tra mà không có nội dung ôn tập thì có phải là thách đố chúng tôi, những người không được đào tạo bài bản qua trường lớp, học chữ Hán theo kiểu tự phát hơn 10 năm nay?”. Và cũng nhiều ý kiến cho rằng, sát hạch, kiểm tra thì còn gì là thú vui cho chữ ngày Xuân…
Cuộc tranh luận giữa các “ông đồ” dự thi và thành viên ban giám tuyển tưởng như kéo dài không dứt. Cuối cùng, Ban Tổ chức đành lựa chọn cách lấy số biểu quyết quá bán để nội dung chính là kiểm tra chữ viết được diễn ra như dự kiến. Dù nhiều thắc mắc, nhiều bức xúc nhưng cũng không có “ông đồ” nào bỏ thi, vì nỗi lo không được bố trí một gian ngồi viết chữ trong Hội chữ Xuân 2015 lần này.
Cố “vét” được 55 “ông đồ”
Sau khi tham gia kiểm tra, gương mặt ông Nguyễn Việt Hưng - thành viên tổ chức Nhân nghĩa học đường, dãn ra vì thoải mái bởi đề thi Ban Tổ chức đặt ra cho ông không mang tính “thách đố” như ý nghĩ ban đầu của nhiều người. “Ban giám khảo yêu cầu chúng tôi viết những rất thông thường, gần gũi với cuộc sống, xoay quanh chủ đề khuyến học của năm nay. Chữ Hán có hơn 2 vạn từ, rất nhiều ngữ nghĩa, với những “ông đồ” theo kiểu về già mới học viết như tôi cũng cần phải kiểm tra để đánh giá khả năng thực” - ông Hưng chia sẻ. Ngược với nỗi lo của nhiều người, ông Phạm Hải – Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phả học Việt Nam cho rằng, kiểm tra chất lượng “ông đồ” cũng là cách bảo vệ những người có năng lực khỏi tai tiếng viết xấu, viết sai. “Nếu tự tin năng lực hành nghề 10 năm, sao các “ông đồ” phải lo lắng phản ứng gay gắt về cuộc kiểm tra thư pháp lần này đến vậy? Thành viên CLB thư pháp đến từ các tỉnh, thành vui vẻ chấp nhận “sát hạch”, tại sao Hà Nội lại không?” - họa sĩ Lê Quốc Việt – thành viên Ban giám tuyển buổi kiểm tra thư pháp bày tỏ.
“Phố buôn chữ”, “ông đồ giỏi chặt chém”… là những cụm từ được nhiều người sử dụng miêu tả về phố “ông đồ” tự phát trên vỉa hè phố Văn Miếu trong mấy năm trở lại đây. Chẳng riêng gì người am hiểu thư pháp, mà cả người dân bình thường cũng bức xúc về những chữ viết sai nghĩa, ngữ pháp và cách ra giá “trên trời” của các “ông đồ”. Thế nên mục đích của cuộc kiểm tra thư pháp này cũng chỉ để gạn “trong” cho thú chơi tao nhã đang bị “đục”.
Buổi kiểm tra thư pháp sáng 5/2 là buổi “sát hạch” “ông đồ” lần thứ 2 trước Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015. Với con số 87 người tham gia dự thi, có trên dưới 10 năm hành nghề ở phố “ông đồ” nhưng lại trượt gần nửa, chỉ 55 “ông đồ” qua cửa (trong đó có 41 “ông đồ” tham gia viết chữ Hán, 14 người viết chữ Quốc ngữ). Đây là con số được ông Trần Quốc Chí – Phó Chủ nhiệm CLB UNESCO thư pháp Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cuộc kiểm tra cho rằng, được BTC “vét” đi “vét” lại, châm chước nhiều lần. Ban đầu, Ban Tổ chức chỉ chọn được hơn 30 người có tác phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
Trước đó, ngày 31/1, 48 thành viên của CLB thư pháp các tỉnh, thành ngoài Hà Nội cũng đã tham gia một cuộc kiểm tra tương tự. 12/48 người đạt tiêu chuẩn tham gia Hội chữ lần này. Ngoài ra, hơn 70 tác giả có tác phẩm trưng bày trong triển lãm thư pháp khai mạc hôm 25/2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ chính thức trở thành “ông đồ” trong Hội chữ Xuân 2015. Theo ông Trần Quốc Chí: “Những cuộc kiểm tra trình độ như thế này sẽ được duy trì vào các năm sau, nhằm tiếp tục tuyển được những “ông đồ” đủ năng lực tạo nên thú chơi tao nhã của người Hà Nội ngày Xuân”.
Các ''ông đồ'' thực hiện bài thi trong cuộc sát hạch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 5/2. Ảnh: Phạm Hùng
|