Ông vẫn tự ươm, trồng cây, trồng hoa, cắt tỉa thảm cỏ và quét đường, nhặt rác… một cách cần mẫn, với cái tâm và trách nhiệm với đời. Ông được người dân địa phương gọi là "ông già trồng cây”, “ông già môi trường”. Nếu ai đã từng đi qua triền đê sông Đáy thuộc địa phận xã Đông La sẽ phát hiện ra một điều đặc biệt. Đó là đoạn triền đê của thôn Đông Lao dài gần 1km trước kia toàn cỏ cây dại, giờ đã thành những vườn hoa và thảm cỏ tươi đẹp xen kẽ nhau. Tất cả nhờ bàn tay của “ông lão gàn” thích “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Một buổi trưa hè nắng chói chang, qua câu chuyện ông kể, chúng tôi được biết, từ lâu ông có thói quen ngày ngày cứ rảnh rỗi là đi lang thang trên triền đê sông Đáy ngắm cảnh. Từ ngày được bê tông hóa, đường đê khang trang và sạch đẹp hơn nhưng cỏ mọc um tùm... Đặc biệt từ khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, ông nghĩ làng quê càng cần văn minh và sạch đẹp hơn. Chính vì thế, từ năm 2010, ông đã tình nguyện mang dao quắm, kéo, cuốc, liềm ra triền đê ở thôn để cắt cỏ, nhổ cây dại. Thấy vậy, một số người dân nghĩ ông bị gàn, hâm, thậm chí thần kinh... Rồi có người nghĩ, ông được hưởng lương nên mới làm công việc này. Nhưng mặc kệ tất cả, ông cứ miệt mài phát quang cả một đoạn triền đê thuộc thôn mình. Sau khi cây, cỏ dại đã được phát quang, dọn dẹp, ông lại cần mẫn cắt, xén từng đám cỏ thành những thảm cỏ thẳng, bằng chẳng kém gì ở nội thành do công nhân công ty cây xanh làm hàng ngày. Ông bảo, mỗi ngày ông đều dành 2 tiếng từ 5 giờ - 7 giờ sáng làm từ những việc nhỏ như cuốc đất, tỉa cây, xin hoặc mua cây giống về trồng… Đến nay, ông đã trồng được rất nhiều cây đa, cây si, cây bàng và các cây cảnh khác ở sân bóng và cả quanh hội trường, nhà văn hóa của thôn. Đặc biệt, khoảng hơn một năm trở lại đây, rất nhiều loại hoa đã có mặt trên đoạn triền đê sông Đáy này. Nào là hoa huệ trắng, hoa mẫu đơn, hoa loa kèn, hoa hồng, hoa hòe, địa lan, thiết mộc lan… Rồi những luống hoa mười giờ được cắt xén thành hàng lối gọn gàng, trăm hoa đua nở khiến cho nhiều người khi đi qua đây không biết chuyện về “ông lão gàn” nghĩ rằng chính quyền địa phương vừa có quy hoạch trồng hoa, cây cảnh ven đường! Chuyện trồng hoa, cắt tỉa thành những thảm cỏ để làm đẹp cảnh quan, làm đẹp cho đời của ông Lộc cũng rất gian nan. Trồng xong lại phải mang nước ra tưới, rồi phải thường xuyên trông nom để bọn trẻ, hay trâu bò không phá hoại… Ông còn dự định trồng những khóm hoa mới dọc con đường vào nhà văn hóa, hội trường của thôn. Trồng hoa và hoa nở ven đê đối với ông là niềm vui, hạnh phúc mãn nguyện mà chẳng bao giờ ông đòi hỏi chuyện tiền bạc, thành tích. Không chỉ được mệnh danh là “ông già trồng cây”, người dân nơi đây còn gọi ông với cái tên trìu mến - “ông già môi trường”, bởi ông là một lao công đặc biệt. Cứ sáng sáng, ông lại vác chổi ra quét đường thôn. Những hôm nắng, đường làng xe cộ đi lại nhiều, ông mang nước ra té cho đỡ bụi. Trời mưa, giá rét, ông vẫn ra quét đường, nhặt rác cho ngõ xóm thêm sạch, đẹp. Những việc làm bình dị mà hết sức ý nghĩa ấy khiến dân làng càng thêm nể phục và kính trọng ông.
Ông Phùng Đình Lộc chăm sóc cây cảnh. |