Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Phan Đức Hiếu: Doanh nghiệp cần bình đẳng, không cần ưu đãi

Trang Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều thông điệp và lời cam kết mạnh mẽ, Hội nghị Thủ tướng gặp DN vào ngày 17/5, đang tạo nên nguồn cảm hứng và bồi đắp thêm niềm tin với Chính phủ trong đông đảo các DN cả nước.

 Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư
Sẽ không còn những băn khoăn, lo ngại nếu sau đây Chính phủ và các địa phương xắn tay vào cuộc bằng những hành động, giải pháp cụ thể để thực sự tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho mọi thành phần DN. Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) xoay quanh vấn đề này.
Yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh
Theo ông, những thông điệp mà Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ DN năm 2017 có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng DN?
- Chính phủ tiếp tục thể hiện sự cam kết rất cụ thể và rất mạnh mẽ. Tôi cảm nhận được rằng, những cam kết này tiếp tục duy trì, củng cố và tăng thêm tin tưởng của cộng đồng DN vào Chính phủ, giúp họ yên tâm trong đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhằm chấn chỉnh việc thanh, kiểm tra liên tiếp khiến DN bị làm khó, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã ký “nóng” Chỉ thị 20 yêu cầu: Không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN. Theo ông, văn bản này sẽ có tác động như thế nào tới các DN?
- Một trong những chi phí mà DN đang phải gánh chịu mà cũng ít được đề cập tới đó là thời gian mà DN phải dành để tiếp cơ quan quản lý. Do đó, giảm số lần thanh, kiểm tra và áp dụng phương thức quản lý rủi ro đối với DN là cần thiết. Điều này giúp DN có nhiều thời gian tập trung trong điều hành hoạt động kinh doanh, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo này của Thủ tướng có tác động tích cực cho cộng đồng DN, khiến họ tin tưởng và hồ hởi.
Hội nghị năm nay có ít hơn các vấn đề “nóng” được DN đề cập và những câu hỏi gay gắt được đặt ra. Phải chăng môi trường kinh doanh của chúng ta đã tốt hơn?
- Điều này thể hiện, những nỗ lực cải cách trong những năm qua đã có những tác động tích cực, đã phần nào tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt trong thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, môi trường kinh doanh cần có nhiều nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa. So sánh trên mặt bằng quốc tế, chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam mới đạt ở mức trung bình. Sự đối xử công bằng giữa các khu vực kinh tế, giảm thiểu rủi ro và tăng tính an toàn trong kinh doanh vẫn đòi hỏi cải cách mạnh mẽ và cấp thiết hơn.
Bồi đắp niềm tin trong doanh nghiệp
Có ý kiến cho rằng khu vực DN tư nhân đầy lòng tự trọng, họ không cần ưu đãi mà họ cần sự bình đẳng, công bằng, cần môi trường thông thoáng. Ông có chia sẻ quan điểm này?
- Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm này và cảm nhận được mong muốn này từ cộng đồng DN. Cần nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng nhất của cải cách là tạo ra môi trường kinh doanh với đặc điểm cơ bản: Tự do sáng tạo; mọi ý tưởng phải được tạo cơ hội áp dụng, tài sản đưa vào kinh doanh, đặc biệt là tài sản trí tuệ phải được bảo vệ và cạnh tranh lành mạnh. Do đó, cải cách phải nhấn mạnh đến dỡ bỏ mọi rào cản đến sáng tạo và rủi ro pháp lý cho kinh doanh; Nhà nước phải thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ tốt quyền kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.
DN rất hồ hởi trước các thông điệp của Thủ tướng và Chính phủ đưa ra tại hội nghị nhưng vẫn có không ít người vẫn lo lắng về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hay “trên trải thảm dưới rải đinh” ở các địa phương. Theo ông, cần phải có thêm những giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này?
- Đúng là ở một số nơi vẫn còn tình trạng trên, nhưng nhìn chung môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực. Để chấm dứt câu chuyện này, tôi cho rằng một mặt cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, mặt khác, xu hướng sắp tới là sự “trừng phạt” của thị trường. Tỉnh nào chậm đổi mới thì ở đó DN có thể bỏ đi nơi khác, và tìm đến những địa phương có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Do đó, cải cách thể chế có thể phải tính đến mục tiêu tạo thuận lợi cho tự do kinh doanh, tự do lựa chọn nơi thực hiện thủ tục, không giới hạn không gian địa lý.
Chính phủ đã có những quyết tâm và thông điệp rõ ràng trong tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN, vậy từ phía DN cần phải làm gì, chủ động như thế nào để lớn mạnh hơn?
- Có hai yếu tố cơ bản tác động trực tiếp là thể chế và thị trường. Nhà nước sẽ cố gắng cải cách yếu tố thể chế để giảm tác động tiêu cực và tăng tác động tích cực cho kinh doanh. Như vậy, DN sẽ phải chủ động đối với yếu tố thị trường; tích cực đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh canh, cạnh tranh lành mạnh; chủ động tìm hiểu, nâng cao ý thức pháp luật để giảm rủi ro pháp lý, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Xin cảm ơn ông!

Có thái độ đúng đắn với kinh tế tư nhân

Ưu đãi sẽ khiến nhiều DN không muốn lớn. Chỗ này chúng ta cần phải lật qua lật lại vấn đề để có thái độ đúng với kinh tế tư nhân. Điều quan trọng nhất không phải là cho thêm họ cái gì đó mà là để cho họ thở bầu không khí trong lành. Để tư nhân phát triển thì phải cải cách khu vực DN Nhà nước hoặc là DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI.

TS Trần Đình Thiên  - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam


5 vấn đề mấu chốt cần thực hiện

Để phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam có 5 vấn đề mấu chốt: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với DN. Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn để tăng sức cạnh tranh. Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ DN nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho DN. Thứ năm là tăng cường đào tạo cho các doanh nhân…

Chuyên gia kinh tế  Bùi Kiến Thành


Tiếp tục quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng hiệu quả đầu tư

Hiệu quả đầu tư còn thấp. Trong khi đó, thời gian qua liên tục có tình trạng tỷ lệ tiết kiệm/GDP thấp hơn tỷ lệ vốn đầu tư/GDP. Do vậy, Việt Nam phải đi vay để đầu tư, làm cho tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tăng lên, có loại đã vượt trần phải nới trần (nợ công/GDP đã tăng từ 50% năm 2011 lên 62,2% năm 2015; nợ Chính phủ/GDP tăng tương ứng từ 39,3% lên 50,3%; nợ nước ngoài tăng tương ứng từ 37,9% lên 43,1%). Cân đối ngân sách mấy năm nay gặp khó khăn, có nguyên nhân không nhỏ do tỷ lệ trả nợ lãi và trả nợ gốc chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu ngân sách; vay mới có một phần quan trọng để bù đắp bội chi ngân sách, để trả nợ gốc... Đây là những yếu tố rất cần có những quyết sách quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng hiệu quả đầu tư, khả năng tiết kiệm của nền kinh tế, vì đây là mối quan hệ quan trọng trong các cân đối kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia kinh tế  Đào Ngọc Lâm