Ông Trump hủy thượng đỉnh Nga - Mỹ không chỉ vì Ukraine?

Hương Thảo (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia đã nhận định có nhiều hơn 1 lý do cho tuyên bố gây sốc của Tổng thống Mỹ, không chỉ vì căng thẳng Nga - Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga trong một cuộc họp báo chung tại Helsinki hôm 16/7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/11 đã đề cập đến vụ việc gần đây tại eo biển Kerch, như là lý do hủy bỏ cuộc họp với Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Ông chủ Nhà Trắng đã kêu gọi hoãn cuộc gặp theo dự kiến vì "các tàu và thủy thủ vẫn chưa được Nga trao trả cho Ukraine" - đây là 3 tàu bị bắt giữ bởi lực lượng bảo vệ bờ biển Nga khi được cho là đang cố gắng di chuyển trái phép tại vùng lãnh hải của Moscow.
Nhận định về giải thích của Washington, giáo sư nhân quyền tại Đại học Luật Pittsburgh Dan Kovalik cho rằng đó không phải là một quyết định hợp lý vào thời điểm này. "Dù có quan điểm thế nào về tình hình eo biển Kerch hay về việc ai là người có lỗi trong vụ việc... thì giờ cũng là lúc cần một cuộc gặp giữa Mỹ và Nga để giải quyết vấn đề đó, và cũng nhằm đối phó với những căng thẳng đang diễn ra ở bất kỳ nơi nào tại châu Âu giữa Nga và NATO".
Ông Kovalik cũng lập luận rằng Tổng thống Trump dường như đang cảm thấy bị áp lực, như thể cuộc gặp với Nga đồng nghĩa với việc ông đang "hợp tác" với Tổng thống Putin. Đây luôn là luận điệu cáo buộc của giới Dân chủ tại Mỹ đối với ông Trump ngay cả trước khi ông đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
"Hãy nhớ, theo cách nào đó thì lần gần nhất hai nhà lãnh đạo gặp nhau, ông Trump đã bị coi là kẻ phản bội - một sự điên rồ đã xảy ra tại nước Mỹ", giáo sư Kovalik nói với RT.
Thực tế là truyền thông Mỹ đã phản ứng đầy phẫn nộ trong và sau cuộc gặp Trump - Putin ở Helsinki, Phần Lan, hồi tháng 7 năm nay, với khá nhiều lãnh đạo cấp cao hay người nổi tiếng chỉ trích các phát biểu của Tổng thống Trump, tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị, là một sự "phản quốc". Do ông Trump đã phủ nhận sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 - vốn đã là một niềm tin tại Mỹ dù hiện vẫn chưa có bằng chứng thực tế nào mang tính thuyết phục.
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Jim Jatras cho thấy một quan điểm tương tự về "yếu tố Nga" trong quyết định hủy bỏ bất ngờ của vị Tổng thống 45 nước Mỹ, cho rằng nhiều khả năng nó đến từ việc gia tăng các lời khai từ cựu luật sư riêng của ông Trump là Michael Cohen trước tòa án liên bang, bao gồm cả lời thú nhận của ông này về việc đã từng thảo luận kế hoạch xây dựng một tháp Trump tại Moscow.
"Thay vì trở thành một chính khách và bắt đầu cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc để giải quyết căng thẳng từ Biển Đen đến Biển Đông, ông Trump đang bị kìm hãm bởi những vấn đề chính trị nhỏ vốn được tạo dựng một cách thô sơ chỉ để làm suy yếu chức vụ Tổng thống của ông", ông Jatras nói.
RT trích nhận định của nhà báo Neil Clark, cho rằng không chỉ Đảng Dân chủ muốn làm khó chính quyền Tổng thống đương nhiệm của Đảng Cộng hòa - bằng cách kích thích phong trào "bài Nga", mà ngay chính Ukraine cũng chẳng muốn Washington và Moscow cùng ngồi lại với nhau.