Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OPEC tiếp tục “nhấn chìm” thế giới trong dầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã không thể thống nhất một mức trần sản lượng sau cuộc họp ngày 4/12.

Kết quả này sẽ “tiếp sức” cho cuộc chiến giành thị phần vàng đen đang sôi nổi trong bối cảnh thừa cung dầu đã quá rõ ràng.

Iran “đổ thêm dầu vào lửa”

Tiền cuộc họp, hầu hết các nhà phân tích nhận định, OPEC sẽ không hạ sản lượng, do tiếng nói từ nhóm nước gồm Ả rập Saudi và các nước đối tác ở vùng Vịnh là Kuwait, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đang muốn giữ vững thị phần. Chiếm hơn một nửa sản lượng của OPEC, tiếng nói của các quốc gia này vô cùng có trọng lượng trong quyết sách của nhóm này.
OPEC tiếp tục “nhấn chìm” thế giới trong dầu - Ảnh 1
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất từng tuyên bố, sẽ chỉ xem xét cắt giảm sản lượng nếu Iraq và Iran hợp tác, cũng như cho phép các quốc gia không thuộc OPEC như Nga cùng tham gia. Phía Moscow trong tuần này lặp lại rằng chưa có ý tham gia cắt giảm sản lượng, trong khi Iran và Iraq cũng chưa hề bày tỏ ý định tương tự.

Ngược lại, Iran tiếp tục khẳng định, sẽ tăng sản lượng lên ít nhất 1 triệu thùng/ngày một khi lệnh trừng phạt kinh tế lên Tehran được dỡ bỏ, sau thỏa thuận hạt nhân đạt được ngày 14/7 vừa qua. Quyết định này sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” cho tình trạng thừa cung nhiên liệu quý này, khi mỗi ngày thế giới đang tiêu thụ ít hơn 2 triệu thùng so với mức sản xuất.

Trước thông tin trên, giá các hợp đồng tương lai dầu Brent tại Mỹ đã giảm tiếp 1,5% xuống còn 43 USD/thùng.

Sự xấu hổ của ông Badri

Giá dầu đã giảm hơn 1 nửa trong 18 tháng qua so với mức mà các thành viên OPEC cần để cân bằng chi phí sản xuất.

Các chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá các hợp đồng tương lai dầu có thể xuống ngưỡng 20 USD/thùng nếu thế giới tiếp tục sản xuất dầu vượt ngưỡng tiêu thụ như hiện nay.

Tuyên bố chung của cuộc họp OPEC lần này được đưa ra mà không đề cập đến mức trần sản xuất dầu. Lần gần nhất OPEC thất bại tương tự là vào năm 2011 khi Ả Rập thúc đẩy nhóm này tăng sản lượng nhằm tránh giá nhiên liệu quý này leo thang.

“Chúng tôi không đưa ra được quyết định hay con số nào”, Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Zangeneh trả lời báo chí sau cuộc họp.

Tổng thư ký OPEC – ông Abdullah al-Badri cho biết nhóm không thống nhất được thỏa thuận nào bởi không dự đoán được lượng dầu Iran sẽ đổ vào thị trường vào năm 2016 – dự kiến khi các lệnh trừng phạt kinh tế lên Tehran được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân đạt được 6 tháng trước với nhóm P5+1.

Ông Badri cố giấu sự xấu hổ bằng cách khẳng định, OPEC vẫn là một tổ chức vững mạnh. Một tuyên bố được đáp lại bằng những tràng cười của các phóng viên và nhà phân tích trong phòng hội nghị.