Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ớt cay xé lòng người trồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang giữa vụ mùa, hàng trăm ha ớt chín đỏ nhưng nhiều nông dân ở các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai như Đăk Pơ, Kbang, An Khê, Kong Chro bỏ mặc, không thu hoạch.

Tại tỉnh Gia Lai, giá ớt thương phẩm đang giảm mạnh khiến nông dân thua lỗ nặng. Tại ruộng ớt ở nhiều thôn thuộc các xã Hà Tam, Tân An huyện Đắc Pơ và các phường An Bình, An Phước, An Phú thị xã An khê hay xã Đông, Nghĩa An, Đăk Hlơ huyện Kbang ớt đang chín đầy vườn nhưng nhiều nông dân bỏ không thu hái. Một số đã  nhổ bỏ cả cây lẫn quả chuyển sang trồng loại cây khác. Cùng với nguyên nhân nông dân trồng ớt ồ ạt theo phong trào, đây còn là hậu quả của việc đầu ra quá phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc.
 Người nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ cả vườn ớt đang chín đỏ vì thua lỗ
Người nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ cả vườn ớt đang chín đỏ vì thua lỗ
Đang giữa vụ mùa, hàng trăm ha ớt chín đỏ nhưng nhiều nông dân ở các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai như Đăk Pơ, Kbang, An Khê, Kong Chro bỏ mặc, không thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Bộ, ở thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đắc Pơ cho biết, năm trước nông dân trong vùng trồng ớt lãi cao nên vụ này, ông đã chuyển đổi 6 sào mía để trồng loại cây này. Những tưởng sẽ thành công, nhưng giá ớt liên tục giảm từ 30.000đồng/kg cuối vụ trước, xuống 12.000đồng/kg đầu vụ này và nay chỉ còn khoảng 6.000đồng/kg, trong khi đó tiền công thu hái đã mất 5.000đồng/kg  khiến ông thua lỗ nặng nề. Hiện ớt đang chín đỏ vườn nhưng ông Bộ bỏ không thu hoạch:

“Trồng ớt mà bán với giá hiện nay thì người nông dân lỗ nặng, tôi đang tính bỏ trồng ớt. Tôi cũng không biết được tình hình sẽ thế nào, đầu mùa còn được 11.000 - 12.000đồng/kg, nhưng giờ giá giảm mạnh quá. Nghe nói phía thương nhân Trung Quốc không cho nhập thêm nữa.”

Ồ ạt trồng ớt theo phong trào nên hàng nghìn hộ dân ở các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai đang “cay mắt” vì giá ớt giảm mạnh. Thua lỗ khiến nhiều hộ ngậm ngùi nhổ bỏ cả vườn ớt đang chín đỏ để chuyển sang trồng loại cây khác như mía, rau, bí.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn là các thương lái tại địa phương. Thị trường tiêu thụ ớt chủ yếu là Trung Quốc hiện nay gần như ngừng nhập hàng do đó đầu ra của mặt hàng này rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Trầm, một thương lái chuyên thu mua ớt ở xã Hà Tam, huyện Đắc Pơ cho biết, vụ ớt năm 2013, bà thu mua và xuất bán được gần 50tấn ớt tươi sang thị trường Trung Quốc. Cảnh thu mua diễn ra tấp nập khi xe container đông lạnh xếp hàng dài lên vựa ớt phía Đông của tỉnh, đua nhau mua hàng. Tuy nhiên, năm nay bà chưa xuất được chuyến hàng nào. Đầu ra hiện nay của ớt chủ yếu là trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhưng lượng nhập không nhiều, do đó giá ớt đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc người dân tự phát trồng ớt ồ ạt theo phong trào, bỏ qua khuyến cáo của các ngành chức năng đã khiến diện tích loại cây trồng này tăng nhanh chóng tại tỉnh Gia Lai trong mấy năm gần đây. Riêng vụ này, toàn tỉnh có khoảng 1.600ha ớt và hiện người dân đã phá bỏ gần 1.000ha để chuyển sang trồng loại cây khác.

Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, cùng với nguyên nhân diện tích cây ớt tăng đột biến, việc phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc và khi thị trường này ngừng thu mua là nguyên nhân chính dẫn đến giá ớt giảm mạnh và nông dân phải ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trong vụ này.

 “Hiện nay nông dân thu hoạch xong là bỏ luôn, không đầu tư trở lại. Thương lái thì náo loạn thị trường, thích thì mua giá cao, không thích thì mua giá thấp. Ví dụ có hợp đồng với Trung Quốc, họ đưa xe tới đây mua thì lúc đó giá cao, họ không thu mua thì giá thấp. Nói chung là giá cả là phụ thuộc vào thương lái.”

Điệp khúc “Trồng theo phong trào, chặt theo thị trường” đối với một số loại cây trồng ở nước ta một lần nữa tái diễn trên cây ớt tại tỉnh Gia Lai khiến hàng trăm nông dân thua lỗ nặng nề.