KTĐT - Trước áp lực nhập siêu tăng cao, Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát những mặt hàng không thiết yếu để áp dụng hàng rào kỹ thuật, kết hợp với thuế để hạn chế nhập khẩu.
Kéo dài thời gian thông quan, hạn chế cho vay nhập khẩu, kiểm soát chặt việc thu mua ngoại tệ... là những biện pháp Bộ Công Thương đang cân nhắc đối với những mặt hàng xa xỉ được cho là nguyên nhân làm tăng nhập siêu.
Những mặt hàng mà Bộ Công Thương dự kiến đưa vào danh sách "kiểm soát chặt", gồm ôtô, điện thoại di động, rượu ngoại, mỹ phẩm và kể cả rau quả, thực phẩm nhập khẩu. Các biện pháp được cơ quan này tính đến là quản lý chặt việc vay ngân hàng hoặc thu mua đôla trên thị trường tự do của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô; đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ hoặc dừng trong tháng 12 không cho vay tiền nhập khẩu đối với những mặt hàng xa xỉ.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tính đến việc áp dụng hàng rào kỹ thuật và biện pháp hành chính khác như kiểm soát chặt những mặt hàng nhập khẩu về thị trường; kéo dài thời gian thông quan để các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ việc nhập khẩu có cần thiết, hợp lý và có lợi.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 51,3 tỷ USD, đạt xấp xỉ 87% kế hoạch năm và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cộng với kim ngạch nhập khẩu của tháng 11/2009 là 6,67 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng trước đã khiến cho cán cân thương mại của 11 tháng qua đang hơi nghiêng về nhập siêu với mức 10,417 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,3% kim ngạch xuất khẩu.
Trước áp lực nhập siêu tăng cao, Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát những mặt hàng không thiết yếu để áp dụng hàng rào kỹ thuật, kết hợp với thuế để hạn chế nhập khẩu.
Hồi tháng 5/2008, khi đối mặt với tình trạng nhập siêu quá cao, Bộ Công Thương cũng áp dụng một loạt các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng nằm trong diện xa xỉ, trong đó có ôtô. Theo đó mặt hàng xe hơi nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được xếp vào danh sách nhóm hàng tiêu dùng phải nộp thuế ngay tại cảng trước khi nhận hàng về.
Trước đây các nhà nhập khẩu xe hơi có thể khai báo thủ tục hải quan trước khi hàng về cảng 15 ngày và được phép nộp thuế sau 30 ngày kể từ khi nhận hàng về. Nay họ sẽ phải đóng thuế ngay, rồi mới được phép đem xe về. Đối với các trường hợp có bảo lãnh thì thời hạn nộp thuế được tính bằng thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp chậm thuế, người bảo lãnh phải nộp thuế và nộp phạt thay.
Tại thời điểm năm 2008, giới kinh doanh xe nhìn nhận quy định mới của Bộ Công Thương là một đòn khá mạnh đánh vào các nhà nhập khẩu. Không cần đợi thuế nhập khẩu tăng lên 94% hay 91% thì thị trường xe hơi cũng lập lại trật tự theo hướng "lớn sống, bé chết".