Chẳng hạn, riêng Công ty Toyota Việt Nam đang tồn kho tới 3.000 xe các loại tại nhà máy và các đại lý trên toàn quốc. Vừa qua, DN này đã phải thuê 4.000m2 mặt bằng bên ngoài để chứa xe do nhà máy không còn chỗ chứa. Các DN khác như Ford Việt Nam, GM Việt Nam cũng có số lượng ôtô tồn trên 1.000 chiếc xe các loại. Nếu tính cả xe nhập khẩu tồn đọng thì số lượng lên tới trên chục ngàn xe. Mới đây, báo Hải quan dẫn nguồn tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện tại cảng Cái Mép còn tồn khoảng 1.700 chiếc xe ôtô các loại là số xe của Công ty Hyundai Thành Công nhập về từ tháng 3/2012 mà chưa tiêu thụ được. Đại diện Hyundai Thành Công tại cảng Cái Mép cho biết, ngoài số xe đang tồn tại cảng, trung bình tại kho của công ty ở Ninh Bình, Hải Phòng, Đông Anh (Hà Nội) cũng đang tồn khoảng hơn 1.000 chiếc xe ôtô nữa. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm, 18 DN thành viên VAMA chỉ tiêu thụ được tổng cộng 34.939 xe; trong đó, xe từ 9 chỗ trở xuống tiêu thụ được trên 17.000 chiếc, giảm mạnh tới 41% so với cùng kỳ 2011. Tiêu thụ ôtô diễn ra rất chậm, một số đại lý của Toyota Việt Nam tại Hà Nội cho biết nhu cầu tiêu thụ giảm quá mạnh. Nếu như năm 2011, hãng này có thể bán tới cả trăm xe/tháng thì nay có tháng chỉ bán được 10 chiếc. Tiêu thụ xe giảm dẫn đến đóng góp cho ngân sách cũng giảm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, 6 tháng qua, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 60% về lượng, giảm 54,9% về trị giá làm giảm thu ngân sách khoảng 12.295 tỷ đồng. Linh kiện ôtô nhập khẩu giảm 20% về trị giá, cũng làm giảm thu ngân sách tới 1.500 tỷ đồng. Tại những địa phương được coi là trung tâm công nghiệp ôtô Việt Nam như Vĩnh Phúc, thì thu ngân sách trong 6 tháng qua cũng giảm mạnh. Số liệu từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, thu nội địa đạt hơn 4.537 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ, đạt 36% so với dự toán. Nguyên nhân quan trọng là do ngành công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Năm 2011, riêng Toyota Việt Nam đã đóng góp vào ngân sách tỉnh này là 500 triệu USD. Với tổng số 30.000 xe bán ra, bình quân mỗi xe, Toyota nộp ngân sách tỉnh khoảng 16.000 USD. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012, hãng này chỉ tiêu thụ được 11.000 xe các loại, giảm 3.000-4.000 xe và như vậy đã làm ngân sách địa phương thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Tại Hải Dương, năm 2011, Ford Việt Nam là một trong ba DN có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh. Với hơn 8.000 xe bán ra, mức đóng góp trên 100 triệu USD, nhưng 6 tháng qua chỉ tiêu thụ được 1.564 xe, giảm gần 3.000 xe nên khoản đóng góp cho ngân sách cũng giảm gần 1.000 tỷ đồng. Đây là lý do chính dẫn đến Hải Dương cũng không đạt dự toán thu ngân sách. Tại Quảng Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi Công ty ôtô Trường Hải giảm tiêu thụ khoảng 4.000 xe so với 6 tháng đầu năm 2011 thì tỉnh cũng mất đi khoảng 1.000 tỷ đồng thu ngân sách. Không chỉ có các địa phương có công nghiệp ôtô mới mất nguồn thu. Những địa phương khác cũng bị thất thu do người tiêu dùng không mua xe nên khoản thu lệ phí trước bạ giảm mạnh. Báo cáo của một số chi cục thuế các quận, huyện tại Hà Nội 3 tháng đầu năm 2012 cho thấy thu từ ôtô, xe máy giảm khá mạnh. Tại Chi cục Thuế Hoàng Mai, tính đến hết quý I/2012, thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy chỉ đạt 8% dự toán pháp lệnh và 29% so với cùng kỳ, tương đương 24.864 triệu đồng (pháp lệnh là 293.000 triệu đồng); Chi cục Thuế Thanh Trì đạt 10% pháp lệnh, 41% so cùng kỳ; Chi cục Thuế quận Long Biên đạt 24% kế hoạch quý, 7% dự toán pháp lệnh, 25% so với cùng kỳ. Đại diện Chi cục Thuế Hoàng Mai cho biết, do tác động của việc tăng phí đối với ôtô xe máy nên công tác thu ngân sách hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như quý I/2011, các khoản thu từ ôtô, xe máy tại Hoàng Mai đạt gần 150 tỷ đồng thì trong quý I năm nay chỉ đạt 40 - 50 tỷ đồng, giảm 2/3 so với cùng kỳ. Theo phản ánh từ nhiều DN, sự trì trệ của thị trường ô tô từ đầu năm đến nay, ngoài nguyên nhân do kinh tế khó khăn người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, còn có nguyên nhân quan trọng là việc tăng lệ phí trước bạ lên 20% tại Hà Nội, 15% tại thành phố Hồ Chí Minh và tăng phí cấp biển số xe lên 20 triệu đồng tại Hà Nội. Bên cạnh đó, việc đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với ôtô từ 20 đến 50 triệu đồng/năm của Bộ Giao thông Vận tải cũng đang có tác động không nhỏ đến tâm lí của người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ mặt hàng ô tô trong thời gian qua. Sau khi Hà Nội và TP.HCM tăng lệ phí trước bạ ôtô, trả lời cơ quan truyền thông, một số quan chức hai thành phố này cho rằng mục đích tăng lệ phí trước bạ là nhằm tăng thu cho ngân sách và giảm ôtô cá nhân. Tuy nhiên, sau nửa năm thực hiện, việc tăng lệ phí trước bạ không làm tăng thu cho ngân sách mà còn ngược lại. Theo số liệu của Bộ Công an, hàng năm Hà Nội có số ôtô đăng ký mới khoảng 30.000 chiếc, TP.HCM 20.000 chiếc. Dựa trên con số này, trừ đi 40% số xe đăng ký và tạm tính giá xe ôtô bình quân là 30.000 USD/xe thì Hà Nội thu thêm được từ lệ phí trước bạ khoảng 43 triệu USD, thu từ phí cấp biển gần 18 triệu USD, tổng cộng được khoảng trên 60 triệu USD. TP.HCM thu thêm được khoảng 18 triệu USD. Tổng thu thêm cả 2 thành phố chưa nổi 100 triệu USD, thấp xa so với các khoản nộp bị giảm do sản xuất ôtô giảm. Theo tính toán của VAMA, năm nay thu từ ôtô năm nay có thể mất tới 6.000 tỷ đồng, tương đương với 300 triệu USD do doanh số ngành ôtô sụt giảm. Không những thế, thời gian qua hầu hết các DN ô tô đã phải giảm sản xuất, khiến nhiều lao động mất việc làm. Mới đây, Công ty Toyota Việt Nam cho biết đã phải động viên người lao động chia sẻ khó khăn với công ty bằng cách xin nghỉ hưởng 75% lương. Các DN ôtô khác thì cũng đang liên tiếp cho lao động nghỉ việc, tạm ngừng sản xuất và giảm thu nhập, khiến đời sống hàng chục ngàn lao động gặp khó khăn.