“Chính quyền Panama, thông qua bộ ngoại giao, sẽ tạo lập một ủy ban độc lập bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước…để đánh giá các hoạt động hiện tại, đồng thời đề xuất cách biện pháp nhằm tăng cường minh bạch cho hệ thống tài chính và pháp lý”, theo Tổng thống Juan Carlos Varela.
Chính quyền trên toàn thế giới đã bắt đầu điều tra các hành vi sai trái của giới nhà giàu và quyền lực sau khi bộ 11,5 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca bị rò rỉ với cái tên “Hồ sơ Panama”.
Hãng luật Mossack Fonseca đã hoạt động trong lĩnh vực pháp luật suốt 40 năm.
|
Trong tuyên bố ngắn gọn, ông Verela cho biết, Panama có thể hợp tác với các quốc gia khác để làm sáng tỏ vụ việc.
Những tài liệu này bao gồm các dàn xếp tài chính của các nhân vật trọng yếu, bao gồm người thân cận Tổng thống Nga, người thân Thủ tướng Anh, Pakistan cùng em rể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo đó, Panama vẫn đang xem xét các thành viên ủy ban. Ông Gian Castillero, một cố vấn chính phủ cấp cao cho biết báo cáo đầu tiên của ủy ban sẽ hoành thành trong 6 tháng tới.
Ông Castillero cũng cho biết vụ rò rỉ đã làm tổn hại danh tiếng của Panama, với nền kinh tế 83% dựa vào ngành dịch vụ.
Phản ứng trước vụ việc, chính quyền Pháp tuyên bố có thể liệt Panama vào danh sách “các quốc gia bất hợp tác”. “Tuyên bố của Pháp là nhạy cảm và không nên lặp lại”, ông Castillero trả lời câu hỏi phóng viên rằng liệu các quốc gia khác có nối bước Paris.