Kinhtedothi - “Nếu vẫn giao Bộ GD&ĐT quản lý giáo dục như hiện nay và Bộ LĐTB&XH nắm giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải làm công việc của bộ trưởng” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam khẳng định như vậy khi trao đổi về việc: Bộ nào nắm giáo dục nghề nghiệp? Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam có văn bản (ngày 5/7) gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó có mảng nghề nghiệp. Là người đại diện cho Hiệp hội ký vào văn bản này, ông có thể giải thích vì sao lại là một bộ duy nhất? - Vấn đề phụ thuộc vào Nhà nước cấu trúc lại Bộ GD&ĐT như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Hiện, Bộ GD&ĐT chỉ phụ trách giáo dục phổ thông, ĐH và một phần giáo dục chuyên nghiệp. Theo tinh thần của Luật Giáo dục nghề nghiệp, chỉ có một loại trường CĐ và trung cấp (TC) thay vì CĐ chuyên nghiệp và CĐ nghề, TC chuyên nghiệp và TC nghề sẽ được chuyển về một đầu mối. Thủ tướng sẽ quyết định mảng này đặt ở Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐTB&XH. Nếu đặt ở Bộ GD&ĐT thì toàn bộ nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTB&XH chuyển sang Bộ GD&ĐT tạo thành một bộ phận. Tôi nhấn mạnh đến việc một hệ thống giáo dục thống nhất tạo ra cơ cấu nhân lực hợp lý. Chẳng hạn từ chính sách nhân lực chung, phải có cơ chế phân bổ ngân sách, nguồn lực và nhiệm vụ cho các trình độ khác nhau. Từ đó, các đơn vị nhỏ hơn dựa vào định hướng tổng thể để thiết kế ra cơ cấu nhân lực, quy mô đào tạo cho từng ngành nghề phù hợp ở từng cấp độ. Nếu Bộ GD&ĐT được giao quản lý từ mầm non đến ĐH, khung cơ cấu giáo dục hệ thống quốc dân sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn? - Vừa rồi, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng dự thảo 2 khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Về cơ bản, dự thảo lần này khá phù hợp với tinh thần của khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà 3 hiệp hội (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người) đã có ý kiến. Khung cơ cấu thể hiện tư tưởng đổi mới giáo dục cũng như phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của thế giới. Cụ thể là phân luồng mạnh học sinh sau tốt nghiệp THCS đi theo hướng THPT và TH nghề. Việc này giải quyết được tình trạng 90% học sinh sau THCS lên THPT chứ không theo TC nghề. Lên tiếp bậc học trên, sẽ chỉ có khoảng 20 – 30% sinh viên theo ĐH hướng nghiên cứu, 70 – 80% là ứng dụng, thực hành phù hợp. Vậy, các trường đào tạo nghề sẽ xử lý như thế nào, thưa ông? - Hiện nay, chúng ta có đến hàng ngàn trường THPT, nhưng số trường đào tạo theo hướng nghề chỉ vài trăm. Theo quan điểm của Hiệp hội, phải chuyển phần lớn các trường THPT thành TH nghề hay các trường THPT ghép vào những trung tâm dạy nghề và xây dựng thành trường TH nghề. Trường TC nghề chuyển thành TH nghề, huy động thêm giáo viên dạy văn hóa. Chỉ như thế mới tăng được các trường nghề. Các trường CĐ nghề nên ít đi, vì đào tạo ra người thợ có trình độ CĐ để làm chủ các dây chuyền công nghệ cao, tự động hóa. Tất nhiên, muốn làm được như thế phải thống nhất một bộ quản lý. Hiện nay, số lao động trình độ cử nhân trở lên bị thất nghiệp tới trên 190.000 người. Liệu khi Bộ GD&ĐT quản lý thống nhất hệ thống thống giáo dục có khắc phục được tình trạng này? - Thực ra lao động thất nghiệp có nhiều lý do. Thống kê 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 5.500 DN phải đóng cửa thì ắt có tình trạng thất nghiệp. Hơn nữa, quản lý lao động của ta rất kém, trách nhiệm này thuộc về Bộ LĐTB&XH; thống kê có tới 86% lao động đang làm việc không có chuyên môn kỹ thuật. Vì chính sách lao động kém nên các cơ quan tuyển dụng theo cảm tính, không lấy người qua đào tạo. Trong việc này, Bộ GD&ĐT cũng phải chú ý nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành nghề cũng phải điều chỉnh hợp lý, căn cứ vào những thông tin về lao động mà Bộ LĐTB&XH cung cấp. Xin cảm ơn ông!