Phá hộ lan cao tốc làm nơi kinh doanh: Hành vi phải bị nghiêm trị

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sức nóng của dư luận, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị xử lý các trường hợp phá rào tôn sóng, vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến cao tốc, đặc biệt tại cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Lực lượng chức năng ra quân xử lý các điểm phá hộ lan trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Trần Duy
Cứ khắc phục xong lại bị phá
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của ông Đoàn Ngọc Hải - nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) có bài viết gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia phản ánh thực trạng tiêu cực trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đó là nhiều đoạn hộ lan tôn sóng trên tuyến cao tốc này bị tháo dỡ trái phép để mở đường cho các phương tiện vào quán ăn dọc đường. Ngay lập tức, những thông tin và hình ảnh đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cộng đồng mạng. Hầu hết các ý kiến cho rằng, đây là hành vi phá hoại tài sản công và phải được nghiêm trị.

Tuy nhiên, trước sự việc này, đại diện đơn vị quản lý cao tốc Nội Bài – Lào Cai là Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) lại có câu trả lời khá bất ngờ khi cho rằng việc người dân tự ý mở tôn hộ lan trái phép để tạo lối đi có nguyên nhân bắt nguồn từ việc sau khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác. Một số hộ dân yêu cầu phải có đường gom trong khi quy hoạch thiết kế tuyến cao tốc này lại không có. Đại diện VECS cho rằng, đơn vị này đã nhiều phối hợp với địa phương thực hiện đóng lại các điểm tôn hộ lan bị mở trái phép nhưng tại một số điểm như lý trình Km172, Km182+500, Km189+050, Km189+800... chưa được xử lý triệt để. Thậm chí, ngoài các tôn hộ lan, người dân còn thường xuyên cắt phá hàng rào thép gai B40 của cao tốc Nội Bài – Lào Cai để đi qua. VECS cũng đã nhiều lần tiến hành hàn đóng lại các điểm tháo mở nhưng cứ hàn xong lại bị cắt phá.

Trên thực tế, tình trạng tháo hộ lan để làm nơi kinh doanh không chỉ xảy ra ở trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà đã xảy ra tại nhiều tuyến cao tốc khác. Năm 2016, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã chịu cảnh tương tự khi hàng loạt vị trí hàng rào đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai bị cắt, phá, tiềm ẩn nguy cơ TNGT do người đi bộ băng ngang cao tốc. Thậm chí, nhiều người dân còn xây chòi chăn vịt, vô tư đỗ xe lấn chiếm hành lang an toàn đường cao tốc. Còn trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cuối năm 2020 vừa qua xảy ra sự việc nghiêm trọng hơn khi 215 bộ hộp đệm tôn sóng (gồm hộp đệm, bulông liên kết hộp đệm với trụ; phản quang) trên tuyến cao tốc này bị mất trộm.

Có hay không sự buông lỏng quản lý?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi tháo hộ lan, cắt lưới B40 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai hay bất kỳ tuyến cao tốc nào khác đều là phạm pháp. “Chiếu theo quy định hiện hành thì hành vi này có cấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” – luật sư Bùi Đình Ứng nói. Chuyên gia pháp lý này cho hay, theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, khi đã có hành lang pháp lý rõ ràng như vậy nhưng vi phạm vẫn liên tục tái diễn có một phần trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật. “Muốn chấm dứt tình trạng này phải thượng tôn pháp luật, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, có như thế mới đủ sức răn đe” – luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định và cho biết thêm, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc xác minh, làm rõ xem có hay không tình trạng “bảo kê” hoặc buông lỏng quản lý, cố tình bỏ qua vi phạm, nhất là trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Bởi tình trạng phá hộ lan này đã xảy ra từ rất lâu nhưng lại không bị xử lý.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc không thuận tiện, mà cụ thể là không có đường gom. Điều này khiến người dân không có thêm sự lựa chọn để đi lại, dẫn đến tình trạng phá hộ lan để làm lối đi.
Việc người dân phá hộ lan cao tốc làm lối đi là sai nhưng thực tế đã chứng minh, nếu giao thông được tổ chức thuận tiện, người dân cũng không ai muốn mạo hiểm phá hộ lan cao tốc để đi, chỉ cần giao thông thuận tiện, hành vi này tự sẽ hết.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần