Chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay là "An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo".
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc vừa công bố tháng 9 vừa qua tại Phiên họp Đại hội đồng, mặc dù đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo nhưng thế giới vẫn đang đối phó với nhiều thách thức. Hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ người nghèo, trong đó 78% người nghèo sống ở vùng nông thôn, nơi mà hoạt động sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại lễ kỷ niệm.
|
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, chủ đề Ngày Lương thực thế giới năm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi nông nghiệp quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi. Nông nghiệp tạo việc làm và thu nhập cho 46% dân cư và đóng góp khoảng 20% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn hàng đầu của thế giới đối với các ngành hàng gạo, tiêu, hạt điều, sắn, chè, cao su, và một số sản phẩm thủy sản. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 6% năm 2014. Tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc giảm từ 45,6% giai đoạn 1990 - 1992 xuống còn 11% giai đoạn 2014 - 2016.
Ông Lê Quốc Doanh cho biết thêm, Việt Nam đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập ổn định. Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân thực hiện thành công “Chương trình nghị sự 2030” và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.