Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải bắt đầu chính từ doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay, cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự suy giảm xuất khẩu.

KTĐT - Đến nay, cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự suy giảm xuất khẩu.

Nhiều chương trình bán hàng lưu động, tổ chức khuyến mại lớn.... được nhiều địa phương tổ chức rầm rộ. Tuy nhiên, như báo Kinh tế & Đô thị đã có lần cảnh báo, tại nơi này, nơi kia, cuộc vận động này mới chỉ dừng lại ở việc “hô khẩu hiệu”. Cũng đã có không ít chuyên gia khuyến cáo: Thắng lợi của cuộc vận động nằm ở chính nỗ lực của các doanh nghiệp, “hãy làm tốt ắt sản phẩm của doanh nghiệp sẽ có chỗ đứng trên thị trường.”

Quan niệm “made in Việt Nam” đã mở rộng hơn

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - cho rằng, không nên và không thể quan niệm rằng, hàng Việt Nam là phải được sản xuất hoàn toàn trong nước, từ nguyên liệu đến thành phẩm. "Trên thế giới không có nước nào chỉ dùng sản phẩm trong nước và chúng ta cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu", ông Bảo nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng giám đốc Công ty CP May 10 - khẳng định, nếu sản phẩm có kết tinh trí tuệ, công sức của người Việt Nam thì đều có thể coi là hàng Việt Nam.

Để làm rõ khái niệm "Made in Vietnam", Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu phân tích: Theo quy định của ASEAN, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% thì được coi là xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, chủ trương của Đảng và Nhà nước là nhanh chóng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tiến tới dần dần thay thế linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Phải bắt đầu chính từ doanh nghiệp

Theo một nghiên cứu về thị trường VN, thì nông thôn là một thị trường tiềm năng với hơn 70% dân số và hơn 53% cửa hàng tạp hóa, doanh số chiếm từ 14% - 25% tổng thị trường bán lẻ... Đối với các nhà kinh doanh, đây là những con số rất đáng được quan tâm. Nhưng có vẻ như trong số đó ít có bóng dáng... các DN VN. Cứ nhìn qua các cửa hàng tạp hóa, chợ tại khu vực nông thôn sẽ thấy, khu vực này từ lâu đã bị các DN trong nước vô tình bỏ ngỏ.
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như việc thu nhập của người dân khu vực này thấp, do đó chỉ những mặt hàng có giá rẻ, có trọng lượng nhỏ, lợi nhuận dựa trên số nhiều là chính nên khi mới tiếp cận sẽ rất khó khăn, lợi nhuận thấp, đòi hỏi DN phải có chiến lược lâu dài và có nguồn nhân lực hùng hậu cũng như tính kiên trì. Tuy nhiên, gần như các DN mới chỉ quan tâm đến việc phục vụ cho những người có tiền hoặc XK, thu lợi nhanh... Chính vì thế, khi không tiếp cận được thị trường này, nhiều DN trong nước đã vô tình bỏ qua cho hàng nhập lậu tung hoành. Trong khi đó, các DN nước ngoài từ xa đến VN lại có cái nhìn và cách làm khác hẳn. Từ nhiều năm trước, các thương hiệu như Unilever, Pepsi, Coca-Cola, Ajinomoto… đã thấy được tiềm năng và vai trò cũng như sức mạnh của thị trường nông thôn. Nên ngay khi mới bước chân vào thị trường VN, bằng nhiều cách họ đã xây dựng được hệ thống bán hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước, thành lập và đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng rất giỏi để bám trụ từng vùng và từng khu vực. Kết quả là doanh số của những DN này luôn tăng trưởng đều đặn theo từng năm tại thị trường VN.

Trước thực tế này, không ít chuyên gia kinh tế đã đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta cứ hô hào người Việt dùng hàng Việt mà không đặt vấn đề ngược lại là: DN VN phải sản xuất được các sản phẩm mà người Việt tin dùng? Rõ ràng, một khi hàng Việt vừa rẻ, vừa đáp ứng về chất lượng thì khi đó không cần phải kêu gọi đến tính dân tộc trong việc sử dụng hàng hóa. Vì về cơ bản, người tiêu dùng sẽ chọn mua những sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Hãy cứ xem những vướng mắc khiến người tiêu dùng không chọn hàng Việt mới thấy: Các DN của chúng ta có năng suất thấp khiến giá thành sản phẩm cao; mẫu mã lại chậm thay đổi; chất lượng không đảm bảo; dịch vụ sau bán hàng kém... Rõ ràng, đó là những lý do xuất phát từ DN. Vậy thì, để người Việt dùng hàng Việt, phải bất đầu từ chính DN chứ không thể kêu gọi từ phía người dân được.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ- Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên lại đề cập đến hệ thống phân phối còn yếu kém là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước thất bại trước các đối thủ cạnh tranh.

Ông Lê Thế Bảo đưa ra kiến nghị: Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn cho sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, bởi trong thực tế, doanh nghiệp còn nhiều vất vả, vốn liếng có hạn và có những sản phẩm chỉ có 15% nguyên phụ liệu đầu vào do trong nước sản xuất.